Xưng hô trong hội thoại

Xưng hô trong hội thoại

Hướng dẫn

I – NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

– Xưng hô trong hội thoại là vấn đề rất quan trọng đốì với người Việt Nam. Việc sử dụng các từ xưng hô gắn liền với các tình huống giao tiếp. Nó giúp con người bộc lộ thái độ, tình cảm nhưng cũng đặt ra những tình huống nan giải, không chỉ với người nước ngoài học tiếng Việt mà ngay cả với chính người Việt Nam.

– Có ý thức về vấn đề trên, ta sẽ lựa chọn cách xưng hô phù hợp với đối tượng giao tiếp, nội dung giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp.

1. Từ ngữ xưng hô và việc sử dụng từ ngữ xưng hô

Câu hỏi 1

– Tất cả các danh từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Việt đều có thể trở thành từ xưng hô ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ hai: anh, chị, em, con, cháu, ông, bà, chú, bác, thím, cậu, mợ, cô, dì, ông trẻ, bà trẻ,… Các từ xưng hô này có thể dùng ở nhiều mối quan hệ, ví dụ: bác dùng để gọi anh (chị) của bố mẹ hoặc bậc ngang tuổi bố mẹ trở lên (gọi bác xưng cháu) nhưng cũng dùng để gọi anh (chị) hoặc người bậc tuổi anh (chị) trong xưng hô thân mật (gọi bác xưng em).

– Một số từ chỉ nghề nghiệp, chức danh cũng có thể dùng làm từ xưng hô

như bác sĩ, nhà báo, giáo sư, bộ trưởng,...

Câu hỏi 2

– Từ ngữ xưng hô trong đoạn (a): em – anh (Dế Choắt nói với Dế Mèn), ta – chú mày (Dế Mèn nói với Dế Choắt). Cách xưng hô thể hiện sự bất bình đẳng, một kẻ ở thế yếu, phải nhờ vả một kẻ ở thế mạnh, rất kiêu căng.

Xem thêm:  Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

– Từ ngữ xưng hô trong đoạn (b): tôi – anh (Dế Choắt nói với Dế Mèn). Cách xưng hô thay đổi hẳn, thể hiện sự bình đẳng. Nguyên nhân: quan hệ thay đổi. Dế Choắt không còn phải nhờ vả nên nói với Dế Mèn như nói với người bạn, còn Dế Mèn cũng hối hận về tội lỗi của mình nên thành thật lắng nghe lời khuyên của Dế Choắt.

2. Luyện tập

Bài tập 1

Lời nói của cô sinh viên người châu Âu dễ gây hiểu lầm. Theo cách nói của các ngôn ngữ Ấn – Âu, cô không phân biệt chúng ta (bao gồm cả người nghe) với chúng tôi (không bao gồm người nghe) trong khi người Việt Nam lại có sự phân biệt này. Đây là lỗi dễ mắc ở những người châu Âu mới học tiếng Việt do thói quen bản ngữ chi phối.

Bài tập 2

Trong các văn bản khoa học, nhiều khi tác giả chỉ là một nhưng vẫn xưng chúng tôi là vì người viết muốn:

– Thể hiện tính khách quan của các luận điểm.

– Thể hiện sự khiêm tốn của người viết.

Chú ý : Nếu là bài tranh luận thì nên xưng tôi để thể hiện rõ ý kiến cá nhân và chịu trách nhiệm cá nhân.

Bài tập 3

Cậu bé trong truyện Thánh Gióng xưng hô với mẹ bình thường nhưng không bình thường với sứ giả (xưng ta – ông), thể hiện cậu là một đứa trẻ khác thường, có thể làm nên chuyện lạ. Mặt khác, điều đó cũng báo trước rằng đối với bà mẹ, Gióng chỉ là đứa trẻ, nhưng đối với quốc gia, xã hội, Gióng sẽ là người anh hùng.

Xem thêm:  Lặng lẽ Sa Pa (trích)

Bài tập 4

Địa vị của người học trò cũ đã thay đổi từ đó có thể kéo theo quan hệ và cách xưng hô cũng thay đổi nhưng người học trò vẫn xưng hô theo cách cũ. Nó thể hiện sự kính cẩn và biết ơn thầy giáo cũ.

Bài tập 5

Cách xưng hô tôi – đồng bào của Bác đối với nhân dân ta vào thời điểm năm 1945 là rất mới. Trước đó, nước ta là một nước phong kiến, nhà vua xưng trẫm với dân chúng để thể hiện sự uy nghi, cách biệt. Cách xưng hô tôi – đồng bào trái lại, thể hiện sự gần gũi, mến thương (đồng bào : những người cùng một bọc sinh ra, ý coi nhau như ruột thịt).

Bài tập 6

Cách xưng hô trong đoạn văn thứ nhất thể hiện rõ sự cách biệt về địa vị và hoàn cảnh giữa các nhân vật. Chị Dậu, người dân thấp cổ bé họng lại đang thiếu sưu nên phải hạ mình, nhịn nhục: xưng hô cháu, nhà cháu – ông; cai lệ, người nhà lí trưỏng trái lại cậy quyền, cậy thế nên rất hống hách: xưng hô ông – thằng kia, mày.

Sang đoạn sau, cách xưng hô thay đổi. Chị Dậu chuyển sang tôi – ông rồi sang bà – mày. Đó là hành vi thể hiện sự "tức nước vỡ bờ", sự tự vệ cần thiết để bảo vệ chồng của chị.

Mai Thu