Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn)

Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn)

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẴM VỮNG

1. Nhà văn Ngô Tất Tố (1893 – 1954) quê gốc ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).

– Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ngô Tất Tố làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn ; từng cộng tác với nhiều tờ báo: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phổ thông, Đông Phương, Công dân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội Tân văn, Thực nghiệp, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba,

– Trong Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Ủy ban Giải phóng xã (Lộc Hà). Năm 1946 gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, ông từng là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở Thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ và báo Cứu quốc Trung ương,… và viết văn. Ông đã là uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam (trong Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ nhất – 1948).

– Tác phẩm đã xuất bản: Ngô Việt Xuân Thu (dịch, 1929) ; Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929) ; Vua Hàm Nghi với việc Kinh thành thất thủ (truyện kí lịch sử, 1935) ; Đề Thám (truyện kí lịch sử, viết chung, 1935) ; Tắt đèn (tiểu thuyết, đăng báo Việt nữ 1937, Mai Lĩnh xuất bản 1939) ; Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, 1939, đăng báo Thời vụ 1941, Mai Lĩnh xuất bản 1952) ; Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940) ; Đường Thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940) ; Việc làng (phóng sự, đăng báo Hà Nội Tân văn 1940, Mai Lĩnh xuất bản 1941) ; Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941) ; Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II), trong bộ Việt Nam văn học (nghiên cứu, giới thiệu, 1942) ; Lão Tử (soạn chung, 1942) ; Mặc Tử (biên soạn, 1942) ; Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942, đăng báo Đông Pháp 1956) ; Kinh dịch (chú giải, 1953) ; Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946) ; Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946) ; Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946) ; Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946) ; Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946, 1954) ; Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (chèo, 1951).

Xem thêm:  Xây dựng đoạn văn trong văn bản

Tác phẩm của Ngô Tất Tố sau này được tập hợp trong tuyển tập: Ngô Tất Tố và tác phẩm, gồm hai tập, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành từ 1971 – 1976.

– Nhà văn đã được nhận hai giải thưởng trong giải thưởng văn nghệ 1949 – 1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam: giải ba (dịch: Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác) ; được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

2. Tiểu thuyết Tắt đèn phản ánh không khí căng thẳng ngột ngạt của một làng quê trong những ngày sưu thuế. Gia đình chị Dậu thuộc loại “cùng đinh” nhất nhì trong làng trong cơn nguy khốn: không có tiền nộp sưu nên anh Dậu bị ốm cũng bị bọn tay sai đánh đập. Chị Dậu đành rứt ruột đem bán đứa con gái đầu lòng bảy tuổi cho nhà Nghị Quế với hi vọng cứu được chồng khỏi cùm kẹp. Nhưng bọn lí dịch chưa tha, bởi chúng bắt chị đóng cả thuế cho người em chồng đã chết từ năm ngoái. Anh Dậu lại bị lính đánh đến bất tỉnh và được làng xóm đem về, khi anh vừa tỉnh dậy thì lính lại xộc vào định trói mang đi. Van xin không được, chị Dậu liều mình chống trả bọn tay sai. Chị bị bắt lên huyện, tên tri phủ Tư Ân dùng tiền để lợi dụng nhưng bị chị cương quyết chống lại. Để có tiền nộp thuế cho chồng, chị phải đi ở vú, bị tên quan phủ già dâm đãng định giở trò bỉ ổi, chị đã vùng chạy ra ngoài sân, giữa lúc trời tối đen như mực.

3. Đoạn Tức nước vỡ bờ (nhan đề do người biên soạn đặt) trích từ chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đền, thể hiện phẩm chất cao đẹp của chị Dậu – người phụ nữ có lòng thương chồng yêu con hết mực, đồng thời có tinh thần phản kháng thế lực áp bức.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Tình thế nguy ngập của chị Dậu khi bọn tay sai xông vào:

Xem thêm:  Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn)

– Đang trong lúc cùng đường: bán con, bán chó, bán cả gánh khoai mới đủ nộp suất sưu cho chồng nhưng bọn hào lí lại bắt nộp cả suất sưu cho người em chồng đã chết.

– Chồng đau ốm, tưởng chết đêm qua, nếu bị đánh đập nữa thì khó mà giữ được mạng sống…

– Bọn tay sai hung hãn xông vào để đánh trói, thúc thuế,…

2. Nhân vật cai lệ:

– Một tên tay sai chuyên nghiệp: đánh trói người là “nghề” của hắn.

– Đại diện trực tiếp cho quyền lực bất nhân của “nhà nước”, của chế độ thực dân phong kiến đương thời, mặc dù chỉ là tên vô danh tiểu tốt mạt hạng.

– Bản chất hung bạo: sầm sập tiến vào, trợn ngược hai mắt, đùng đùng giật phắt cái thừng, bịch luôn vào ngực chị Dậu, tát vào mặt chị một cái đánh bốp,

– Không chút tình người: bỏ ngoài tai những lời van xin tha thiết của chị Dậu.

3. Ngô Tất Tố đã khắc hoạ sinh động những diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích. Qua đó giúp ta thấy rõ tính cách của chị Dậu: mộc mạc, vị tha, nhẫn nhục nhưng không hề yếu đuối, trong chị ẩn chứa một sức mạnh phản kháng mãnh liệt.

a) Có thể chia diễn biến tâm lí của chị Dậu thành hai giai đoạn: nhẫn nhục chịu đựng và phản kháng.

– Chị van xin tha thiết, lễ phép xưng nhà cháu gọi chúng là ông,…

– Chỉ đến khi cai lệ bịch luôn vào ngực chị… mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu thì chị Dậu không thể chịu được nữa nên mới liều mạng cự lại.

+ Ban đầu, chị cự lại bằng lí lẽ: Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ! Đến đây, không còn xưng cháu, gọi ông nữa, mà là tôiông ngang hàng.

+ Sau khi cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp thì từ đấu lí, chị Dậu chuyển sang đấu lực: Chị nghiến hai hàm răng: – Mày trói ngay chồng đi, cho mày xem! ; từ tôiông chuyển sang mày, thể hiện sự phẫn nộ, khinh bỉ.

Tâm lí nhân vật diễn biến hết sức tự nhiên, sống động.

b) Sức mạnh phản kháng của chị Dậu thể hiện rõ trong cảnh chị quật ngã hai tên tay sai. Lưu ý các từ ngữ: túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa, túm tóc lẳng cho một cái,… và những từ ngữ gợi tả tư thế thảm hại của hai tên tay sai: chỏng quèo, ngã nhào,…

Xem thêm:  Lập dàn ý cho bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

4. Đoạn trích cho thấy một quy luật: có áp bức thì có đấu tranh. Nhan đề Tức nước vỡ bờ phản ánh đúng quy luật ấy. Hơn nữa, như chính nội dung của đoạn trích, Tức nước vỡ bờ gợi mở một ý nghĩa: không có con đường nào khác là phải đấu tranh để thoát khỏi tăm tối, giải phóng khỏi áp bức. Dù là tự phát (tức quá) nhưng cảnh chị Dậu đánh lại hai tên tay sai là hợp quy luật: tức nước vỡ bờ.

5. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo”.

– Khéo ở nghệ thuật khắc hoạ tính cách nhân vật:

+ Chị Dậu: nhẫn nhục nhưng mạnh mẽ (qua lối nói van xin, cự lại, hành động,…)

+ Cai lệ: hung hăng, bất nhân, thú tính,… (lời nói, hành động,…)

– Khéo ở ngòi bút miêu tả linh hoạt, sống động: cảnh chị Dậu đánh lại hai tên tay sai,…

– Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại đặc sắc, bộc lộ sắc nét tính cách nhân vật, phản ánh được những diễn biến tâm lí,…

6. Phản ánh đúng quy luật tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã nhìn thấy được sức mạnh phản kháng tiềm tàng mãnh liệt của người nông dân. Nhìn chung cả tác phẩm Tắt đèn là bế tắc (như cái nhan đề của nó), chị Dậu đánh lại cai lệ cũng chỉ là tự phát, nhưng nó dự báo một cơn dông bão sẽ đến, phá tan mọi áp bức, gông xiềng. Ngô Tất Tố đang khơi ra nguồn sức mạnh ấy, đặt ra một nhu cầu bức bách: nổi dậy, giải phóng khỏi cuộc sống cùng cực. Đúng như Nguyễn Tuân nói: Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Muốn thực hiện được yêu cầu luyện tập trong SGK, cần xác định giọng điệu và tính cách thể hiện của bốn vai nhân vật trước khi diễn.

Mai Thu