Tuần 9 – Việt Bắc (trích – tiếp theo)

Tuần 9 – Việt Bắc (trích – tiếp theo)

Hướng dẫn

PHẦN HAI: TÁC PHẨM

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết, miền Bắc nước ta được giải phóng. Một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của cách mạng được mở ra. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Việt Bắc là nơi Tố Hữu đã sống và gắn bó suốt thời kì kháng chiến, nay phải từ giã để về Thủ đô. Trong không khí lịch sử và tâm trạng khi chia tay Việt Bắc, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, miền Bắc nước ta được giải phóng. Một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của cách mạng được mở ra. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Với Tố Hữu, Việt Bắc là nơi ông đã sống và gắn bó suốt thời kì kháng chiến, nay phải từ giã để cùng cơ quan Trung ương Đảng về thủ đô. Trong không khí lịch sử và tâm trạng khi chia tay Việt Bắc, Tố Hữu đã sáng tác bài Việt Bắc. Tác phẩm có độ lùi về thời gian, từ tháng 7 năm 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đến tháng 10 năm 1954, bài thơ Việt Bắc mới ra đời. Chính khoảng lùi thời gian này đã tạo điều kiện để tác giả suy ngẫm về hiện thực đất nước. Bức tranh đất nước, con người trong kháng chiến được tái hiện trong cảm hứng bao trùm là nỗi nhớ, sự hồi tưởng về Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ mà hào hùng.

Kết cấu của tác phẩm gần gũi với kết cấu đối đáp trong ca dao, dân ca và có tác dụng thể hiện những tình cảm sâu lắng, tha thiết của người cán bộ cách mạng miền xuôi đối với Việt Bắc. Đây cũng là một yếu tố khiến bài thơ dễ đi vào lòng người và có sức sống lâu bền cùng thời gian.

2. Qua hồi tưởng của chủ thể trữ tình, vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc hiện lên chân thực, sinh động và thấm đẫm ân tình. Hình ảnh mưa nguồn là một nét vẽ đặc sắc giúp người đọc hình dung đầy đủ những gian khổ của kháng chiến. Đó là cả một chặng đường kháng chiến gian khó mà con người đã vượt qua. "Miếng cơm" lại là hình ảnh gợi về một thời nhân dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng đồng cam cộng khổ gánh trên vai trách nhiệm với dân tộc, mối thù với đế quốc, thực dân. Tố Hữu có biệt tài trong việc gợi mở những bức tranh hiện thực bằng những câu thơ lục bát có tiểu đối.

Không gian Việt Bắc trong nỗi nhớ của người ra đi như ngưng đọng lại ở những nét đẹp quyến rũ, thơ mộng. Âm thanh tiếng mõ rừng chiều trở thành tiếng vọng của tâm hồn con người, là thanh âm đặc trưng của Việt Bắc, là nhịp đồng vọng giữa người đi và kẻ ở, đưa người đọc trở về những tháng ngày gian khổ mà tình nghĩa, vất vả mà gắn bó, đau thương mà anh hùng của dân tộc trong kháng chiến.

Xem thêm:  Tuần 16 - Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận

Thiên nhiên Việt Bắc được khắc hoạ rất điển hình. Tố Hữu đã mượn hình ảnh của hoa chuối đỏ tươi để gợi dậy một nét đặc trưng của mùa đông Việt Bắc. Có người cho rằng hình ảnh hoa chuối lần đầu tiên đi vào thơ Tố Hữu nhưng đã tạo được ấn tượng đặc biệt với người đọc. Cảnh mùa đông có nét ấm áp, rực rỡ, tươi tắn chứ không lạnh lẽo, hắt hiu. Bức tranh mùa đông Việt Bắc đan dệt bởi nhiều màu sắc xanh, đỏ tươi, vàng và ngập tràn ánh sáng. "Ánh" là một từ rất gợi, hé mở sức sống kì diệu của cảnh và người Việt Bắc. Không thấy con người hiện hữu cụ thể nhưng chỉ qua hình ảnh "dao gài thắt lưng", bóng dáng của người lao động hiện lên thật bình dị, cụ thể. Bức tranh mùa đông đẹp vẻ đẹp ấm áp. Hơi ấm toả ra từ trong lòng cảnh vật, từ sức sống của con người.

Mùa xuân Việt Bắc được gợi ra từ sắc trắng của hoa mơ trên nền xanh của lá cây rừng tạo nên nét đẹp tinh khôi, thơ mộng. Màu trắng tinh khiết của hoa mơ bao chiếm không gian. Hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp giản dị trong công việc lao động hằng ngày: "Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang". Câu thơ làm sáng lên vẻ đẹp cần mẫn, bền bỉ, kiên trì trong lao động của người Việt Bắc.

Nếu mùa xuân bừng sáng sắc trắng của hoa mơ thì mùa hạ lại ngân lên tiếng ve quen thuộc của núi rừng Việt Bắc. Tiếng ve dệt thành bẳn đồng ca mùa hạ rộn ràng, tươi vui. Sự hoà quyện giữa âm thanh và màu sắc đã tạo nên sự độc đáo cho cảnh vật: "Ve kêu rừng phách đổ vàng". Sắc vàng của rừng phách như muốn tràn ra ngoài, ứ nhựa sống nhờ tác động của tiếng ve. Câu thơ vẽ lên một bức tranh mùa hạ tưng bừng bởi thanh âm, màu sắc. Hình ảnh cô gái hái măng không hiện lên lạc lõng, cô đơn mà trở thành điểm nhấn cho bức tranh mùa hạ.

Hình ảnh ánh trăng mùa thu hiện lên mát rượi và tiếng hát ân tình vang ngân của con người đã làm sáng lên bức tranh mùa thu. Bức tranh ấy lắng lại trong nét đẹp quyến rũ, gợi cảm. Khúc hát ân tình vang lên trong tâm hồn thi sĩ, vọng lại từ rừng thu Việt Bắc. Cái đẹp của thiên nhiên hoà quyện với cái đẹp của con người.

Điều đặc biệt là bức tranh về cảnh và người Việt Bắc được nhìn bằng tất cả niềm yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết của tác giả. Từ "nhớ" được lặp lại nhiều lần. Tố Hữu đã dựng lên một bức tranh Việt Bắc giản dị, thân thuộc mà đẹp đẽ, mĩ lệ. Tài năng sáng tạo của nhà thơ đã được thể hiện tập trung ở việc dựng nên một bộ tứ bình độc đáo, hoàn chỉnh về cảnh và người Việt Bắc. Lời thơ lục bát ngọt ngào, tha thiết càng khiến nỗi nhớ trở nên thiết tha, sâu nặng.

3. Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu, vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến đã được Tố Hữu khắc hoạ rất rõ trong đoạn trích bài thơ Việt Bắc.

– Đoạn thơ từ câu "Những đường Việt Bắc của ta" đến câu "Đèn pha bật sáng như ngày mai lên" tái hiện khung cảnh Việt Bắc trong kháng chiến với không gian núi rùng rộng lớn, những hình ảnh hào hùng, những bước hành quân vang dội, dồn dập, náo nức. Đoạn thơ mang đậm âm hưởng anh hùng ca, thể hiện thật đẹp khí thế vô cùng mạnh mẽ của cả một dân tộc đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tiết tấu của các câu thơ nhanh, mạnh, gợi lại không khí của những trận đánh:

Xem thêm:  Tuần 12 - Đọc thêm: Tiếng hát con tàu

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

và cả những chiến công:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

– Không chỉ miêu tả khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến, nhà thơ còn đi sâu lí giải cội nguồn sức mạnh dẫn tới những chiến công ấy. Đó là sức mạnh của lòng căm thù ("Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai"), của tình nghĩa thuỷ chung ("Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi") và hơn hết là sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân.

– Trong một số câu thơ của đoạn trích, nhất là những câu thơ từ "Ở đâu u ám quân thù" đến câu "Mái đình Hồng Thái, cây đa Tàn Trào", với những lời thơ trang trọng mà tha thiết, Tố Hữu đã khẳng định vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến. Việt Bắc là quê hương của cách mạng, là căn cứ địa vững chắc, đầu não của cuộc kháng chiến ; là nơi hội tụ bao tình cảm, niềm tin và hi vọng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Trong suốt cả đoạn trích, Việt Bắc hiện lên với vai trò là cái nôi che chở và nuôi dưỡng cho cách mạng và kháng chiến, là nơi Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Với tất cả những ý nghĩa đó, Việt Bắc xứng đáng là nơi cả dân tộc gửi trọn niềm tin yêu:

Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

4. Nghệ thuật biểu hiện của bài thơ Việt Bắc nói chung và đoạn trích nói riêng đậm đà tính dân tộc.

– Đoạn trích trong SGK là phần mở đầu của bài thơ, thể hiện niềm hoài niệm về một Việt Bắc gian khó và nghĩa tình trong kháng chiến. Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật của đoạn trích trước hết được thể hiện ở cấu tứ của bài thơ. Đó là lối cấu tứ theo hình thức đối đáp của ca dao trữ tình. Hai nhân vật của cuộc đối đáp này là tamình. Đây là hình thức quen thuộc của kiểu đối đáp giao duyên truyền thống và trên cơ sở đó, bài thơ đã thể hiện được một vấn đề có ý nghĩa lớn lao: sự thuỷ chung của cách mạng với nhân dân.

– Về ngôn ngữ thơ, Tố Hữu chú trọng sử dụng những từ ngữ gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân, những từ ngữ giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất sinh động để tái hiện những kỉ niệm về một thời cách mạng và kháng chiến đầy gian khổ mà dạt dào tình nghĩa. Ngôn ngữ thơ trong Việt Bắc rất giàu hình ảnh ("Nhớ người mẹ nắng cháy lưng", "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi", "Ve kêu rừng phách đổ vàng",…) và giàu nhạc điệu ("Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều – Chày đêm nện cối đều đều suối xa", "Những đường Việt Bắc của ta – Đêm đêm rầm rập như là đất rung",…).

– Về các biện pháp nghệ thuật, trong Việt Bắc, Tố Hữu rất thành công trong việc phát huy sức biểu cảm của các tiểu đối ("Tiếng ai tha thiết bên cồn – Bâng khuâng trong dạ / bồn chồn bước đi", "Mình đi, mình lại nhớ mình – Nguồn bao nhiêu nước / nghĩa tình bấy nhiêu",…). Nhờ sử dụng những tiểu đối này mà ý thơ của Tố Hữu chẳng những được nhấn mạnh mà nhịp thơ cũng uyển chuyển, cân xứng, hài hoà. Vì thế mà câu thơ cũng trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Việt Bắc cũng thể hiện tài năng của Tố Hữu trong việc sử dụng phép trùng điệp. Hàng loạt các câu thơ bắt đầu bằng các cụm từ như: "Mình về" ("Mình về, mình có nhớ ta", "Mình về, có nhớ chiến khu"), "Nhớ sao" ("Nhớ sao ngày tháng cơ quan", "Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều"),… đã làm cho lời thơ thêm tha thiết, ngọt ngào, dễ đi vào tâm trí người đọc.

Xem thêm:  Tuần 1 - Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

– Sử dụng thể lục bát truyền thống, Tố Hữu không chỉ kế thừa được những tinh hoa của thể loại này mà bằng sự sáng tạo và vận dụng linh hoạt, nhà thơ đã đưa thể thơ lục bát phát triển lên một tầm cao mới.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng đại từ xưng hô ta – mình trong bài thơ.

– Cách sử dụng hai đại từ xưng hô mình, ta trong bài thơ Việt Bắc đã góp phần thể hiện chiều sâu trong tình cảm của con người. Lối đối đáp quen thuộc của ca dao tạo nên một giọng điệu ngọt ngào, sâu lắng. Lời đối đáp giữa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng là những bộc bạch, tâm tình khẳng định tình cảm thuỷ chung son sắt.

– Các đại từ xưng hô mình, ta được sử dụng linh hoạt, có lúc chuyển hoá lẫn nhau là một sáng tạo độc đáo của Tố Hữu trên cơ sở ảnh hưởng của thơ ca dân gian.

2. Chọn trong bài thơ hai đoạn tiêu biểu:

– Đoạn thơ về vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc, có thể chọn đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà hình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Phân tích: Xem gợi ý câu 2 phần Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản.

– Đoạn thơ về khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Để thấy được vẻ đẹp của đoạn thơ cũng như hình ảnh hùng tráng của Việt Bắc ưong kháng chiến, cần tập trung phân tích những đặc điểm sau:

+ Phân tích những hình ảnh kì vĩ có tính chất sử thi thể hiện sức mạnh vũ bão của đoàn quân kháng chiến: "Đêm đêm rầm rập", "Quân đi điệp điệp trùng trùng", "Dân công đỏ đuốc từng đoàn",…

+ Niềm vui chiến thắng toả rộng khắp không gian.

+ Về nghệ thuật, chú ý nghệ thuật sử dụng từ láy (rầm rập, điệp điệp trùng trùng, thăm thẳm), nghệ thuật nói quá ("Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay") thể hiện sức mạnh của đoàn quân anh hùng ; nghệ thuật liệt kê (các địa danh: Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên,…) nhằm biểu hiện niềm tự hào, niềm vui chiến thắng.

Mai Thu