Tuần 8 – Việt Bắc (trích)

Tuần 8 – Việt Bắc (trích)

Hướng dẫn

PHẦN MỘT: TÁC GIẢ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Vài nét về tiểu sử

Tố Hữu (1920 – 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh tại Hội An, quê ở làng Phù Lai xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông thân sinh là một nhà nho nghèo, tuy không đỗ đạt và phải chật vật để kiếm sống bằng nhiều nghề nhung lại yêu thơ và thích sưu tầm ca dao, tục ngữ. Quê hương cũng góp phần quan trọng vào sự hình thành hồn thơ Tố Hữu. Bước vào tuổi thanh niên đúng thời điểm phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo đang dấy lên sôi nổi trong cả nước, mà Huế là một trong những trung tâm sôi động nhất, tuổi trẻ của Tố Hữu đã có sự gặp gỡ may mắn và đẹp đẽ với lí tưởng cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, và cho đến năm 1986, Tố Hữu liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất làm một, sự nghiệp thơ ca gắn liền sự nghiệp cách mạng, trở thành một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Tố Hữu được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật nãm 1996.

Tác phẩm chính: các tập thơ Từ âý (1937 – 1946), Việt Bắc (1947 – 1954), Gió lộng (1955 – 1961), Ra trận (1962 – 1971), Máu và hoa (1972 – 1977), Một tiếngđờn (1992), Ta với ta (1999).

2. Phong cách thơ Tố Hữu

a) Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Đây là đặc điểm bao quát nhất trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu và cũng chi phối mọi đặc điểm khác của thơ ông. Chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thể hiện nổi bật ở những điểm sau:

– Con đường thơ của Tố Hữu bắt đầu cùng lúc với sự giác ngộ lí tưởng cách mạng của nhà thơ. Các chặng đường thơ ông gắn bó mật thiết với các chặng đường của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

– Lí tưởng cách mạng là ngọn nguồn mọi cảm hứng nghệ thuật của Tố Hữu.

– Với Tố Hữu, làm thơ là một hành động cách mạng, nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh cho sự thắng lợi của lí tưởng cách mạng.

– Lí tưởng, thực tiễn đời sống cách mạng và những mục tiêu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng đã chi phối từ quan niệm nghệ thuật đến đề tài, chủ đề; từ cảm hứng chủ đạo đến nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu.

b) Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu như một lẽ tự nhiên thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu buổi đầu đã là cái tôi – chiến sĩ, rồi cái tôi – công dân, về sau trở thành cái tôi nhân danh dân tộc, nhân danh cách mạng. Nhân vật trữ tình trong thơ ông cũng vậy, thường là những con người đại diện cho những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, thậm chí mang tầm vóc lịch sử và thời đại (các anh giải phóng quân, chị Trần Thị Lí, mẹ Suốt,…).

Thể hiện những vấn đề cốt yếu của đời sống cách mạng và vận mệnh dân tộc, cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử – dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự – đời tư. Thơ ông, vì thế, thường hướng về tương lai, đặt niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, khơi dậy niềm vui và lòng say mê với con đường cách mạng. Vấn để nổi bật trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng liên quan đến dân tộc, đến cộng đồng chứ không phải là những vấn đề có tính cá nhân.

Xem thêm:  Tuần 14 - Đọc thêm: Tự do (trích)

c) Thơ Tố Hữu có giọng điệu rất riêng, dễ nhận, đó là giọng tâm tình ngọt ngào tha thiết, là tiếng nói của tình thương mến.

Giọng điệu thơ Tố Hữu chịu ảnh hưởng của "chất Huế" in rất đậm trong ông từ thuở ấu thơ. Đó là giọng điệu của những câu ca, điệu hò xứ Huế. Nhung đồng thời, nó cũng được xuất phát từ chính quan niệm về thơ của nhà thơ: "Thơ là chuyện đồng điệu […], thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí". Thơ Tố Hữu nhiều bài giống như một cuộc giãi bày, trò chuyện, là những lời nhắn nhủ.

d) Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Điều này khiến cho thơ Tố Hữu có một sức hút mạnh mẽ, khiến nhiều thế hệ người đọc thích thú, say mê.

II. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Những nét lớn trong cuộc đời Tố Hữu (xem phần I – Kiến thức cơ ban cần nắm vững).

2. Các chặng đường thơ Tố Hữu gắn bó song hành với các giai đoạn cách mạng, phản ánh những chặng đường cách mạng, đồng thời cũng thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.

Từ ấy (1937 – 1946) là tập thơ mở đầu con đường thơ của Tố Hữu. Từ ấy là niềm hân hoan của một tâm hồn trẻ đang "Bàn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời" thì gặp ánh sáng lí tướng, tìm thấy lẽ sống. Từ ấy gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích Giải phóng trong đó phần Xiềng xích là đặc sắc hơn cả. Xiềng xích ghi lại cuộc đấu tranh cam go cứa người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù của thực dân, thể hiện sự trưởng thành vững vàng của người thanh niên cách mạng qua những gian lao, thử thách hiểm nghèo đồng thời cũng bộc lộ một tâm hồn tha thiết yêu đời, sự khát khao tự do và hành động.

Việt Bắc (1947 – 1954) là tập hợp những bài thơ Tố Hữu viết trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Thơ Tố Hữu trong giai đoạn này hướng vào khám phá và thể hiện những phẩm chất của con người quần chúng (những anh vệ quốc quân, anh bộ đội Cụ Hồ, những chị phụ nữ, những bà mẹ, những em bé tham gia kháng chiến,…). Việt Bắc là bản hùng ca phản ánh chặng đường gian lao, anh dũng và thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tập thơ kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt Nam trong kháng chiến mà bao trùm và xuyên suốt là lòng yêu nước.

Tập thơ Gió lộng (1955 – 1961) tiếp tục khuynh hướng khái quát và cảm hứng lịch sử được mở ra từ cuối tập thơ Việt Bắc, kết hợp với sự thể hiện cái tôi trữ tình công dân. Gió lộng khai thác các chủ đề lớn: chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và tình cảm quốc tế vô sản. Tuy nhiên, thành công hơn cả trong tập thơ là những bài viết về tình cảm vói miền Nam ruột thịt và những bài thơ thể hiện ân tình cách mạng (Quê mẹ, Người con gái Việt Nam, Mẹ Tơm,...)

Hai tập Ra trận (1962 – 1971), Máu và Hoa (1972 – 1977) là chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ quyết liệt và hào hùng của dân tộc. Hai tập thơ này là nguồn cổ vũ, động viên nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Thơ Tố Hữu giai đoạn này mang đậm tính chính luận – thời sự, chất sử thi và cũng có lúc mang âm hưởng anh hùng ca.

Xem thêm:  Tuần 16 - Người lái đò Sông Đà (trích)

Từ năm 1978 đến cuối đời, thơ Tố Hữu được tập hợp và in trong hai tập Một tiếng đờn (1992) và Ta vớita (1999). Thơ Tố Hữu giai đoạn này trầm lắng và suy tư hơn. Nhiều bài thể hiện sâu sắc những chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời mong kiếm tìm những giá trị mang tính bền vững.

3. Tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thể hiện nổi bật ở những điểm sau:

– Tố Hữu là một nhà thơ – chiến sĩ. Thơ ông nhằm mục đích trước hết là phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị của đất nước. Kế thừa những truyền thống thẩm mĩ trong văn học trung đại và trong 30 năm văn học đầu thế kỉ XX, Tố Hữu đưa đến cho thơ cách mạng một tiếng nói trữ tình mới với nhũng cảm xúc, tình cảm mang tính cụ thể, trực tiếp, cảm tính của cái tôi cá thể, nhung là cái tôi ở giữa mọi người, trong cuộc đấu tranh cách mạng.

– Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị, cách mạng của đất nước.

– Thơ Tố Hữu thể hiện nhũng lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người và cuộc sống cách mạng.

4. Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu được thể hiện qua hai phương diện nội dung và hình thức.

a) Về nội dung

– Cách mạng tháng Tám thành công, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến thần thánh, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội,… tất cả những sự kiện lịch sử quan trọng ấy Tố Hữu đểu chứng kiến và tham gia với tư cách là một người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, một hồn thơ quy tụ, kết tinh những giá trị và sức mạnh tinh thần của dân tộc. Tố Hữu tìm được tiếng nói hoà nhập với cuộc đời chung. Rất khó phân biệt ở Tố Hữu cái riêng và cái chung. Cái riêng được miêu tả như những tiếng reo vui của tác giả trước niềm vui lớn của dân tộc. Tố Hữu là nhà thơ nói được những vui buồn của dân tộc trong suốt chặng đường đầy biến động của lịch sử ở thế kỉ XX.

– Bên cạnh sự phản ánh những biến cố lịch sử trong cuộc sống hiện tại, thơ Tố Hữu còn tìm về quá khứ của dân tộc. Quá khứ được khơi nguồn trên nhiều bình diện, có truyền thống bất khuất, cũng có kí ức xót đau,… nhưng tất cả đều được Tố Hữu trân trọng đưa vào thơ. Tố Hữu cố gắng nắm bắt những âm thanh hết sức bình dị nhưng rất đỗi cao cả, đẹp đẽ, thiêng liêng của đời sống dân tộc. Đáng chú ý là đời sống chính trị – xã hội của dân tộc được Tố Hữu biểu hiện bằng một tiếng nói sâu thẳm, đằm thắm từ con tim xúc động chân thành.

b) Về hình thức

– Về thể loại, Tố Hữu tiếp thu những tinh hoa của thơ ca cổ điển và phong trào Thơ mới. Trong một số bài thơ, Tố Hữu cũng làm theo thể tự do, tuy nhiên ông đặc biệt thành công khi vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc, nhất là hai thể thơ lục bát và thất ngôn.

Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình điệu nói, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Chất văn xuôi được đưa vào thơ, tạo ra một thế giới nghê thuật mang đậm hơi thở của đời sống.

Xem thêm:  Tuần 1 - Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

– Về ngôn ngữ, Tố Hữu chú trọng sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc. Thơ ông giàu nhạc điệu; ngôn từ tinh tế, phong phú. Tố Hữu thường có lối ví von, so sánh độc đáo, làm nổi bật vẻ đẹp trực quan của hình tượng thơ và nâng lên thành những biểu tượng thẩm mĩ độc đáo, đặc sắc.

III. HUỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Chọn và phân tích một bài (hoặc đoạn) thơ của Tố Hữu.

Tham khảo đoạn văn sau:

Từ ấy trong tôi hừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Bài thơ Từ ấy là tiếng reo ca náo nức của một tâm hồn trẻ băn khoăn đi tìm lẽ sống thì gặp gỡ ánh sáng của lí tưởng cộng sản. Buổi đầu tiên đến với lí tưởng cộng sản, người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi thấy nó như "một thiên thần với hào quang lãng mạn và nhiều mộng tưởng" (Tố Hữu). Nhà thơ vui sướng khôn xiết khi cảm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình, coi đó là mặt trời chiếu rọi, làm bừng sáng, thức tỉnh tâm hồn mình. Lời thơ réo rắt reo vui, không gian thơ đầy ánh sáng, âm thanh, hương vị, sắc màu,… tất cả làm bừng lên một tâm hồn say mê, náo nức trước sức cảm hoá, tác động mạnh mẽ, mãnh liệt của chân lí cách mạng. Người đọc như bị cuốn vào cái chói chang, ấm áp của ánh sáng mặt trời, cái tươi non, xanh mướt của lá hoa và sự rộn ràng của âm thanh, hương sắc. Tố Hữu đã dựng lên một không gian thơ tươi sáng để diễn tả nỗi hân hoan, niềm vui sướng trong tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi khi bắt gặp lí tưởng cộng sản. Những câu thơ ấy không chỉ ấm nóng xúc cảm của người nghệ sĩ mà còn truyền lửa nhiệt tình đến nhiều thế hệ thanh niên sau này.

2. Về ý kiến của Xuân Diệu: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình".

Xuân Diệu đã khái quát được những đặc trưng, bản chất nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu. Đó là một giọng thơ trữ tình chính trị ngọt ngào đằm thắm, có sức truyền cảm mạnh mẽ. Thơ ông có nét trẻ trung, tươi mới của một hồn thơ hiện đại nhưng lại có nét sâu lắng, tha thiết của hồn thơ truyền thống, in đậm sắc màu của văn hoá dân gian. Chưa có ai nói về những vấn đề chính trị lớn lao, cao cả, tưởng như khô khan, trừu tượng một cách ngọt ngào, trìu mến và thân thương như Tố Hữu. Những chặng đường thơ ông, từ nãm 1930 đến nãm 1945 và từ 1945 đến cuối đời đều thể hiện những tìm tòi, đổi mới độc đáo của người nghệ sĩ chân chính, lao động sáng tạo nghiêm túc và công phu. Tố Hữu vừa chịu ảnh hưởng của thi pháp cổ điển, của thơ ca dân gian vừa tiếp thu những tinh hoa của phong trào Thơ mới và những thành tựu của trào lưu thơ ca cách mạng hiện đại. Tố Hữu có tài sử dụng thể lục bát và đưa nó phát triển đến đỉnh cao. Ông có khả năng sử dụng điêu luyện, tinh tế ngôn ngữ, hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật tạo hiệu ứng thẩm mĩ độc đáo, mang sắc thái biểu cảm mạnh mẽ. Ngôn ngữ thơ Tố Hữu vừa gần gũi, giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày vừa có những cách biểu hiện điêu luyện, tinh tế, tài hoa, kết hợp nhuần nhuyễn hai tính chất bác học và dân gian.

Mai Thu