Tuần 4 – Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Tuần 4 – Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, là một trong những thanh niên dự lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu, rồi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1926). Năm 1927, Phạm Văn Đồng về nước tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt đày ra Côn Đảo (1929). Năm 1936 ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Phạm Văn Đồng tham gia Chính phủ lâm thời tháng 8 năm 1945 và sau đó liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,… Ông vừa là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, vừa là nhà văn hoá lớn. Tác phẩm chính của Phạm Văn Đồng gồm: Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại; Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh; Văn hoá đổi mới;… Do những cống hiến lớn lao đối với đất nước, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là bài nghị luận Phạm Văn Đồng viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3-7-1888).

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Những luận điểm chính của bài viết.

– Con người và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu.

– Những giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.

– Lục Vân Tiên – tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu.

2. Theo tác giả, văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như "những vì sao có ánh sáng khác thường", "con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy".

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc. Nhưng từ trước đến nay những hiểu biết của chúng ta về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ mù đất Đồng Nai còn rất hạn chế. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và hình thức, còn rất ít biết đến thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu – một bộ phận rất quan trọng trong di sản thơ ca khá đồ sộ ông để lại cho đời. Vì thế "ngôi sao" Nguyễn Đình Chiểu đòi hỏi chúng ta phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu để khám phá "ánh sáng" lung linh "khác thường" của nó.

3. Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những "ánh sáng khác thường" của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam.

Xem thêm:  Tuần 16 - Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận

– Cuộc sống và quan niệm sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu: Con người và quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng vô cùng đáng trọng. Ông là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược Pháp ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta. Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho, sinh trưởng ở đất Đồng Nai, lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là bằng thơ văn. Và những tác phẩm của ông, ngoài giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng, cao quý của tác giả và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại. Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng. Bối cảnh lịch sử của đất nước cũng như hoàn cảnh riêng càng đen tối thì khí tiết của người chí sĩ yêu nước càng hiện lên cao cả, chói sáng. Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì nghĩa lớn. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng. Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức. Và ông trọng thiên chức của mình bao nhiêu thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa bấy nhiêu.

– Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn là để phục vụ cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ sau 1860. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác những bài văn tế ca ngợi những anh hùng suốt đời tận trung với nước và bày tỏ sự khâm phục, xót thương những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả "thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước".

– Truyện thơ Lục Vân Tiên: Phạm Văn Đồng đã bác bỏ một số ý kiến hiểu chưa đúng về tác phẩm Lục Vân Tiên. Ông cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố ý viết một lối văn nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Có người lấy làm điều về những chỗ mà họ cho là lời văn không hay lắm nhưng theo tác giả thì cần phải nhớ rằng vì Nguyễn Đình Chiểu mù nên chỉ có thể đọc cho người khác viết. Và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản. Lại thêm, chẳng ai biết nguyên bản ấy là bản nào, và hiện nay, mấy bản sao mà người ta có thể căn cứ để đối chiếu đều có chỗ khác nhau. Phạm Văn Đồng cho rằng đôi chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị của Lục Vân Tiên – bản trường ca thật là hấp dẫn. Người dân miền Nam thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên không chỉ vì nội dung của câu chuyện, còn vì văn hay của tác phẩm nữa.

Xem thêm:  Tuần 17 - Đọc thêm: Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (trích Những năm tháng không thể nào quên)

4. Phạm Văn Đồng cho rằng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa không chỉ trong thời ấy, mà cả trong "lúc này".

"Lúc này" là thời điểm của năm 1963, khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ chiến đấu cứu nước được đặt lên hàng đầu và văn học nghệ thuật phải thực hiện được sứ mệnh, nghĩa vụ cao cả của mình là giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước, cổ vũ, khích lệ con người chiến đấu và chiến thắng, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cũng chính vì vậy mà cần làm cho "ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu" sáng hơn nữa… "nhất là trong lúc này".

5. Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là một tác phẩm nghị luận nhưng không khô khan mà trái lại có sức lôi cuốn, hấp dẫn.

Bài viết của Phạm Văn Đồng mang đậm những sắc màu biểu cảm. Màu sắc biểu cảm của bài nghị luận này thể hiện ở những cảm nhận tinh tế, sâu sắc của Phạm Văn Đồng về giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu. Những câu văn đầy cảm mến, kính phục cuộc đời và tài năng của một tác gia nổi tiếng trong lịch sử văn học dân tộc đã mang lại sắc màu biểu cảm cho một bài văn nghị luận. Bởi thế, bài viết của Phạm Văn Đồng không chỉ có lí lẽ thuyết phục mà còn đi vào lòng người và có sức lôi cuốn, hấp dẫn.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu không xa lạ với giới trẻ ngày nay và việc học những tác phẩm như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông ở nhà trường là rất bổ ích.

Xem thêm:  Tuần 12 - Đọc thêm: Đò lèn

Cảm phục và đau xót trước sự hi sinh vì nghĩa lớn của những người nghĩa sĩ, Nguyễn Đình Chiểu đã viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài văn tế được coi là áng văn đau thương toàn bích, là một tiếng khóc bi tráng của lịch sử dân tộc. Tác phẩm được viết theo thể phú luật Đường, bố cục chặt chẽ gồm bốn phần: lung khởi, thích thực, ai vãn và kết, là tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu và nhân dân cả nước đối với những nghĩa sĩ anh hùng.

Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là một tiếng khóc bi tráng, vừa hào hùng vừa thống thiết, bi ai. Hào hùng bởi nó phản ánh cuộc chiến đấu vì nghĩa lớn, bởi phẩm chất anh hùng của những "dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ". Bi ai, thống thiết bởi nó thể hiện nỗi xót thương, đau đớn của Nguyễn Đình Chiểu khi viết về sự hi sinh của những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Tính chất bi tráng được bộc lộ sâu sắc trong bài văn tế, đặc biệt là ở hai phần thích thực và ai vãn.

Nguyễn Đình Chiểu đã dành những lời văn chân thành, đau xót mà thành kính để dựng lên một tượng đài bất hủ về hình tượng người nông dân. Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tiếng khóc cho những người đã hi sinh vì nghĩa lớn, khóc cho bi kịch của đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đưa Nguyễn Đình Chiểu lên vị trí là một trong những người viết văn tế hay nhất của lịch sử văn học Việt Nam. "Nhà Nho nghèo ấy đã sống cuộc sống của quần chúng, thông cảm sâu sắc với quần chúng và đã cùng quần chúng phấn đấu gian nan. Chính quần chúng cần cù, dũng cảm đã tiếp sức cho Nguyễn Đình Chiểu, cho trí tuệ, cho tình cảm, cho lòng tin và cả cho nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu" (Hoài Thanh).

Những tình cảm, tư tưởng cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu được thể hiện trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là những giá trị muôn đời, bởi vậy, nó cũng không xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay. Qua việc học và đọc tác phẩm này, thế hệ trẻ sẽ có những nhận thức đúng đắn, đầy đủ về lịch sử dân tộc, được giáo dục, định hướng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ học tập, rèn luyện và lao động để sống có ích, có ý nghĩa, biết cống hiến, hi sinh khi Tổ quốc cần.

Mai Thu