Tuần 4 – Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (trích)
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Xtê-phan Xvai-gơ (1881 – 1942) là nhà văn Áo, sinh ở Viên, trong một gia đình gốc Do Thái. Ông học tại các trường đại học ở Béc-lin, Viên và đã hoàn thành luận án tiến sĩ. Năm 1901, ông khởi đầu sự nghiệp sáng tác văn học bằng tập thơ Những sợi dây đàn hằng hạc. Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch, sáng tác truyện ngắn, và đặc biệt nổi tiếng với hàng loạt công trình nghiên cứu, phác thảo chân dung các nhà văn bậc thầy của thế giới như Đô-xtôi-ép-xki, Ban-dắc, Đích-ken, Tôn-xtôi, Xtăng-đan,… Nhờ ông mà phong cách của các nhà văn này trở nên gần gũi và được hiểu thấu đáo hơn đối với châu Âu và cả, thế giới.
2. Đô-xtôi-ép-xki — tiếng sấm của sự nổi dậy rền vang là đoạn trích nằm trong tác phẩm Ba bậc thầy: Đô-xtôi-ép-xki, Ban-dắc, Đích-ken của Xvai-gơ.
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Bằng những chi tiết và hình ảnh gợi liên tưởng đến thế giới nhân vật của Đô-xtôi-ép-xki, chân dung nhà văn được hiện lên là một con người có những nét đặc biệt về tính cách và số phận. Đó là một con người phải chịu nhiều nỗi khổ nhưng giàu nghị lực và hơn hết đó là một con người vĩ đại, nhận được sự tôn sùng, ngưỡng mộ không chỉ của nước Nga mà còn của cả loài người tiến bộ.
Đô-xtôi-ép-xki phải chịu nhiều nỗi khổ về vật chất và tinh thần. Ông nghèo khổ đến mức phải cầu xin từ những kẻ "xa lạ và thấp hèn"; phải cầm cố và "biết bao nhiêu lần quỳ gối", "cầm… đến cả cái quần đùi cuối cùng", cất lên "tiếng kêu tuyệt vọng xé ruột",… Điều kiện sống thì quẫn bách đủ đường: vợ rên rỉ trong cơn đau đẻ; chủ nhà doạ gọi cảnh sát; bà đỡ đòi tiền; bản thân ông thì bị "cơn động kinh chộp họng",… Về tinh thần, Đô-xtôi-ép-xki sống cô độc, xa lạ với mọi người. "Thế giới đối với ông là xa lạ", "Không một nhà văn Đức, Pháp hoặc I-ta-li-a nào nhớ lại là đã gặp ông". Ông luôn buồn nhớ về nước Nga. "Trái tim ông chỉ đập vì nước Nga" và "Nước Nga! Nước Nga, đó là tiếng gọi vĩnh cửu của niềm tuyệt vọng của ông". Trong khi đó ông chưa được trở về nước Nga. Ông lại vùi đầu vào trang viết. Những trang viết của ông mang nỗi đau về hiện thực Nga cùng nỗi khắc khoải của chính ông.
Nhưng trong đau khổ, tuyệt vọng, Đô-xtôi-ép-xki đã có một nghị lực phi thường. Ông làm việc không ngừng nghỉ. "Vừa lúc sức khoẻ trở lại, ông lê tới phòng làm việc". Lao động dường như vừa là sự giải thoát và vừa là nỗi khổ của ông. Ở Đô-xtôi-ép-xki luôn sáng bừng lên nghị lực và niềm đam mê nghệ thuật, lòng yêu thương con người và nước Nga.
Nhưng trên hết, Đô-xtôi-ép-xki nổi bật bởi một tài năng độc đáo và một sức ảnh hưởng mà bất kì một nhà văn nào cũng phải mơ ước. Với hàng loạt những tác phẩm danh tiếng: Tội ác và trừng phạt (1866), Con bạc (1866), Gã khờ (1868), Lũ người quỷ ám (1872), Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp (1880). "Tuốc-ghê-nhép, Tôn-xtôi bị lu mờ" trước ông, "nước Nga chỉ còn đổ dồn mắt vào ông. Ông thành sứ giả của xứ sở mình".
2. Hiệu quả của lối cấu trúc những hình ảnh đối lập khi thể hiện chân dung của Đô-xtôi-ép-xki.
Trong đoạn trích, Xvai-gơ đã sử dụng lối cấu trúc những hình ảnh đối lập khi thể hiện chân dung của Đô-xtôi-ép-xki. Đó là sự đối lập giữa một bên là đời sống vật chất và tinh thần khốn khó, khổ ải với một bên là sự vĩ đại vì những đóng góp to lớn cho đất nước và sự tôn sùng mà công chúng dành cho ông. Điều đó làm nổi bật cả hai đặc điểm trong cuộc đời của Đô-xtôi-ép-xki người bị hành khổ và người đạt đến đỉnh vinh quang ("Một vòng hào quang chói lọi bao quanh cái đầu của người bị hành khổ").
3. Trong đoạn văn từ câu "Cuối cùng, vào thời điểm…" cho đến cuối đoạn trích, tác giả dùng nhiều hình ảnh so sánh ("… giống như những-tia chớp […], Đức Chúa Trời mang các tông đồ của Người vào cõi vĩnh hằng", "Trong niềm ngất ngây của quỷ dữ, ông vung lời như sấm sét",…) và ẩn dụ ("rồi khi quả đã được cứu thoát, vỏ khô rụng xuống", "Một làn sóng yêu thương cuồng nhiệt dâng lên từ mọi nơi của thành phố ngàn tháp chuông",…). Có thể nhận thấy những hình ảnh so sánh, ẩn dụ này đều có xu hướng quy tụ về một thế giới thánh thần, siêu nhiên – thế giới nằm trong niềm tôn kính thiêng liêng của con người. Đô-xtôi-ép-xki được nhân dân tôn sùng như một vị thánh. Khi ông mất, "Phố Thợ Rèn nơi quàn linh cữu ông đen nghịt người; run rẩy, im lặng, đám đông leo các bậc thang của ngôi nhà công nhân và chen chúc quanh quan tài ông. Sau vài giờ, cái giường đầy hoa nơi người ta đặt thi hài ông đã biến mất; như những di vật quý báu, các bông hoa đã bị lấy đi".
Qua cách quy chiếu những hình ảnh so sánh, những ẩn dụ, Xvai-gơ muốn làm nổi bật sứ mạng và vai trò của Đô-xtôi-ép-xki. Đô-xtôi-ép-xki giống như một đấng cứu thế chịu tội thay cho cả nước Nga (cuộc đời đau khổ của ông giống như việc Chúa Giê-su bị đóng đinh vào thánh giá chịu tội cho loài người); mặt khác, bằng những bài diễn thuyết và những tác phẩm của mình, ông đã gióng lên một hồi chuông thức tỉnh và thúc giục nhân dân Nga nổi dậy chống lại ách thống trị tàn bạo của Nga hoàng.
4. Việc Xvai-gơ luôn gắn Đô-xtôi-ép-xki với bối cảnh thời sự chính trị và văn chương của nước Nga có tác dụng làm nổi bật vai trò của nhà văn.
Một nhà văn vĩ đại không thể chỉ là một cá nhân riêng lẻ, mà cuộc đời, số phận và sự nghiệp sáng tác của ông ta phải được đặt trong mối quan hệ gắn bó khăng khít với bối cảnh của dân tộc, đất nước. Nhà văn đó phải bằng sức mạnh tư tưởng của các tác phẩm của mình thuyết phục, thu hút, gắn kết các tâm hồn, các tầng lớp, giai cấp, tạo nên một tiếng nói chung nhất. Một nhà văn vĩ đại phải vĩ đại ngay từ chính những tác phẩm của mình, từ tấm lòng yêu thương con người và Tổ quốc, có lí tưởng và phấn đấu, hi sinh cho lí tưởng ấy.
Từ những điều trên, có thể thấy rằng việc Xvai-gơ luôn gắn Đô-xtôi-ép-xki với bối cảnh thời sự chính trị và văn chương của nước Nga nhằm dụng ý khẳng định sự vĩ đại của nhà văn chẳng những đối với lịch sử văn học mà còn với cả lịch sử xã hội của đất nước. Đô-xtôi-ép-xki đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của văn học Nga và lịch sử của dân tộc Nga.
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tuần 18 – Ôn tập phần Văn học
Tuần 18 – Ôn tập phần Văn học Hướng dẫn 1. Quá trình phát triển [...]
Th1
Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận
Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận Hướng dẫn [...]
Th1
Tuần 17 – Đọc thêm: Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (trích Những năm tháng không thể nào quên)
Tuần 17 – Đọc thêm: Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (trích Những [...]
Th1
Tuần 17 – Ai đã đặt tên cho dòng sông? (trích)
Tuần 17 – Ai đã đặt tên cho dòng sông? (trích) Hướng dẫn I. KIẾN [...]
Th1
Tuần 16 – Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận
Tuần 16 – Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận Hướng dẫn I. KIẾN [...]
Th1
Tuần 16 – Người lái đò Sông Đà (trích)
Tuần 16 – Người lái đò Sông Đà (trích) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ [...]
Th1