Tuần 33 – Tóm tắt văn bản nghị luận

Tuần 33 – Tóm tắt văn bản nghị luận

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Tóm tắt văn bản nghị luận là trình bày lại một cách ngắn gọn nội dung của văn bản gốc theo một mục đích đã định trước. Bởi vậy, văn bản tóm tắt thường ngắn gọn hơn nhiều so với văn bản gốc. Muốn vậy, văn bản tóm tắt chỉ giữ lại những thông tin chính, những luận điểm quan trọng, lược bỏ các thông tin phụ. Việc tóm tắt văn bản nhằm nhiều mục đích khác nhau.

– Để hiểu các văn bản.

– Sử dụng làm tài liệu để biện minh cho các quan điểm, ý kiến mà không làm tăng quá mức dung lượng của văn bản.

– Thu thập, ghi chép tư liệu cho bản thân để có thể sử dụng khi cần thiết.

– Luyện tập năng lực đọc – hiểu, năng lực tóm lược văn bản.

2. Văn bản tóm tắt cần thoả mãn những yêu cầu sau:

– Phản ánh trung thành tư tưởng, các luận điểm của văn bản gốc, không được xuyên tạc hoặc tự thêm thắt những ý vốn không có trong văn bản gốc.

– Ngắn gọn, súc tích.

– Diễn đạt trong sáng, chặt chẽ, mạch lạc.

3. Thực hiện các bước sau để tóm tắt một văn bản nghị luận

Bước 1: Đọc và tìm hiểu nội dung của văn bản gốc.

– Xác định vấn đề nghị luận: Vãn bản bàn về vấn đề gì? Để trả lời câu hỏi này có thể căn cứ vào các vị trí "mạnh" của văn bản như:

+ Nhan đề của văn bản.

+ Câu chủ đề (hoặc một số câu chủ đề) trong phần mở bài của văn bản.

– Xác định hệ thống luận điểm (các ý lớn) của vãn bản.

Xem thêm:  Tuần 19 - Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

+ Căn cứ vào phẩn mở bài.

+ Xác định các đoạn vãn, cụm đoạn văn. Tìm câu chủ đề của các đoạn, ý khái quát của các đoạn văn.

– Tìm các luận cứ triển khai cho các luận điểm. Lưu ý câu chủ đề của các đoạn văn, phân tích cấu tạo đoạn vãn.

– Tìm nội dung khái quát phần kết bài.

Bước 2: Diễn đạt các luận điểm, luận cứ thành lời bằng một hoặc một số câu.

Bước 3: Viết văn bản tóm tắt.

– Viết nhan đề văn bản bằng hình thức đặc biệt: viết vào chính giữa trang, viết bằng chữ in hoa.

– Lần lượt viết phần mở bài, thân bài và kết bài. Nên tách phần đầu và phần cuối thành đoạn văn riêng. Với phần thân bài, chỉ cần tìm cách liên kết các câu diễn đạt các luận điểm, luận cứ thành các đoạn văn. Khi viết, nên ưu tiên viết câu đầy đủ các thành phần, đặc biệt là câu đơn hoặc câu ghép mở rộng nhằm tăng cường tối đa lượng thông tin trong câu. Nhìn chung không nên dùng câu đặc biệt, câu cảm thán, câu mệnh lệnh và câu nghi vấn. Cần lựa chọn sử dụng các phương tiện liên kết sao cho phù hợp để nối kết giữa các câu trong đoạn văn hoặc các đoạn văn trong văn bản với nhau.

Bước 4: Kiểm tra và hoàn chỉnh văn bản tóm tắt.

Đọc lại văn bản tóm tắt, đối chiếu với yêu cầu, mục đích của văn bản nói chung và văn bản tóm tắt để bổ sung, sửa chữa nhằm hoàn thiện văn bản tóm tắt.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

Tìm hiểu cách tóm tắt văn bản nghị luân qua văn bản Về luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh.

a) Vấn đề nghị luận của văn bản được thể hiện qua chính luận đề và phần mở đầu của đoạn trích: Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến.

b) Viết bài văn nghị luận này, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh nhằm thể hiện dũng khí của một người yêu nước: đề cao tư tưởng tiến bộ, vạch trần thực tại đen tối của xã hội, hướng về một ngày mai tươi sáng của đất nước.

Có thể phát hiện ra chủ đích trên của tác giả ngay trong phần mở bài, đặc biệt là trong phần kết của đoạn trích cũng như ý khái quát của các đoạn văn trong phần thân bài.

c) Các luận điểm chính của đoạn trích:

– Khác với Âu châu, dân Việt Nam không có luân lí xã hội (không biết đoàn thể, không trọng công ích).

– Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự suy đồi của giai cấp phong kiến thống trị từ vua đến quan, từ quan đến sĩ tử.

– Muốn Việt Nam tự do, độc lập, trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể, cần truyền bá tư tưởng tiến bộ (coi trọng lợi ích của đất nước, của người khác, bênh vực nhau và cùng nhau đòi công bằng xã hội).

d) Các luận cứ được tác giả sử dụng để làm sáng tỏ cho từng luận điểm trong bài

– Để nêu bật tình trạng đen tối của luân lí xã hội ở Việt Nam, tác giả nêu các luận cứ đối lập giữa Việt Nam với Âu châu.

– Nguyên nhân của thực trạng đen tối của luân lí ở Việt Nam:

Xem thêm:  Tuần 26 - Đọc thêm: Bài thơ số 28 (trong tập Người làm vườn)

+ Học trò (kẻ sĩ) ham chức tước, vinh hoa mà nịnh hót, giả dối, không biết đến dân.

+ Quan lại tham lam, nhũng nhiễu, vơ vét bòn rút của dân, làm tay sai cho thực dân.

+ Vua thi hành chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.

+ Kẻ có máu mặt trong làng thì tìm cách lo lót kiếm chác chức tước đè đầu cưỡi cổ người dân.

đ) Viết văn bản dựa theo phần tìm hiểu và các ý chính đã tìm được ở trên.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Dựa vào nhan đề và phần mở đầu đã cho, có thể xác định chủ đề của văn bản là:

a) Sự đa dạng mà thống nhất của In-đô-nê-xi-a.

b) Xuân Diệu – nhà nghiên cứu, phê bình vãn học.

2. Tìm hiểu và tóm tắt văn bản Xin đừng lãng phí nước (SGK).

a) – Vấn đề nghị luận là: sự lãng phí nước sạch.

– Đích của văn bản: xin đừng lãng phí nước, hãy tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước quý giá.

b) Các luận điểm của văn bản

– Nước là tài sản thường bị huỷ hoại, lãng phí nhiều nhất.

– Dân số tăng, nguồn nước cung cấp không đủ yêu cầu.

– Một số nước hiện đang thiếu nước, có sự tranh chấp về nguồn nước, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

c) Tóm tắt văn bản

Hiện nay, nhiều quốc gia không cố nguồn nước, nhiều nơi cũng đang xảy ra tranh chấp nguồn nước. Dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và nhân loại sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Hãy bảo vệ nguồn nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau.

Mai Thu