Tuần 32 – Một số thể loại văn học: Kịch, nghị luận

Tuần 32 – Một số thể loại văn học: Kịch, nghị luận

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Kịch

– Kịch là một trong ba loại hình văn học (bên cạnh tự sựtrữ tình). Kịch vừa thuộc về sân khấu vừa thuộc về văn học: nó là cơ sở đầu tiên của vở diễn, lại vừa được cảm thụ bằng việc đọc. Do được viết ra để diễn nên tác phẩm kịch không thể chứa đựng một dung lượng hiện thực rộng lớn như truyện, hoặc cũng không thể lắng lại trong những mạch chìm cảm xúc, suy nghĩ như thơ ca.

– Cơ sở của kịch là những mâu thuẫn xã hội lịch sử, hoặc những xung đột muôn thuở của con người nói chung.

– Nét chủ đạo của kịch là kịch tính – một đặc tính tinh thần của con người do các tình huống gây nên, khi những điều thiêng liêng, cốt thiết không được thực hiện hoặc bị đe doạ. Trong kịch, cốt truyện, tính cách và lời thoại đều chịu sự chi phối bởi kịch tính (và thời gian diễn).

– Kịch được xây dựng trên những diễn biến của duy nhất một hành động bên ngoài, gắn liền với sự đấu tranh của các nhân vật. Hành động kịch hoặc được theo dõi từ thắt nút đến cởi nút, bao quát một khoảng thời gian dài; hoặc được nắm bắt chỉ ở đỉnh điểm, gần tới cởi nút. Hành động kịch được thực hiện bởi các nhân vật kịch, chính trong quá trình đó, nhân vật bộc lộ đặc điểm, tính cách của mình.

– Ngôn ngữ kịch có ba loại: lời đối thoại (các nhân vật nói với nhau); độc thoại (lời nhân vật tự bộc lộ tâm tư, tình cảm,… của mình); bàng thoại (lời nhân vật nói riêng với người xem).

Xem thêm:  Tuần 34 - Ôn tập phần làm văn

– Xét theo nội dung, ý nghĩa của xung đột kịch, người ta phân kịch ra thành ba loại: bi kịch, hài kịch và chính kịch.

2. Nghị luận

– Nghị luận là bàn bạc và đánh giá cho rõ về một vấn đề nào đó. Văn nghị luận là thể văn dùng lí lẽ, dẫn chứng, dùng cách phân tích, luận giải để giải quyết một vấn đề thuộc một khía cạnh nào đó của đời sống xã hội.

– Văn nghị luận rất quan trọng. Xã hội luôn biến chuyển. Trong cuộc biến chuyển đó, con người cần được trang bị về tư tưởng, về quan điểm, về phương hướng… để có thể đi đúng con đường phải đi (không bị lạc hậu cũng như không phiêu lưu duy ý chí). Những bài nghị luận tốt giúp chúng ta nhận ra con đường đó. Mọi vấn đề khác trong cuộc sống cũng phải luôn suy nghĩ, định hướng.

Trong một xã hội dân chủ, ta cũng cần có ý kiến đóng góp vào công việc chung. Phải có khả năng nghị luận để làm rõ ý kiến đúng của mình và bênh vực ý kiến đó trước công chúng… Không biết nghị luận không thể tham gia vào đời sống dân chủ được.

– Theo các tác giả SGK thì nói đến nghị luận nghĩa là nói đến việc bàn bạc điều đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ với quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh,… văn nghị luận tác động vào lí trí, nhận thức và cả tâm hồn người đọc, giúp họ hiểu rõ vấn đề đã nêu ra. Xét theo nội dung luận bàn, người ta phân chia văn nghị luận làm hai thể: văn chính luận (luận bàn về các vấn đề chính trị, xã hội, triết học, đạo đức,…) và văn phê bình văn học (luận bàn các vấn đề về văn học nghệ thuật).

Xem thêm:  Tuần 21 - Thao tác lập luận bác bỏ

II – HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

1. Yêu cầu đọc kịch bản văn học (Xem lại SGK Ngữ văn 11, tập hai, tr. 110).

2. Yêu cầu về đọc văn nghị luận (Xem lại SGK Ngữ văn 11, tập hai, tr. 111).

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Vở kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét khẳng định sức sống, sức vươn lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép, tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân hận thù của tình người, của chủ nghĩa nhân văn.

Trong toàn vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như là một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra qua suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển, quyết định hành động của nhân vật.

Để làm rõ những xung đột kịch trong đoạn trích, cần trả lời các câu hỏi sau:

– Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét bị ngăn trở bởi điều gì?

– Tìm những biểu hiện cho thấy cả Rô-mê-ô và Giu-li-ét đều băn khoăn, trăn trở, lo lắng cho tình yêu của mình trước những thử thách không dễ vượt qua.

– Những suy nghĩ của các nhân vật đã thôi thúc họ hành động như thế nào?

Xem thêm:  Tuần 27 - Thao tác lập luận bình luận

– Những suy nghĩ và hành động của nhân vật thể hiện ý nghĩa gì?

Từ việc phân tích suy nghĩ, hành động của các nhân vật, chỉ ra xung đột kịch của đoạn trích.

2. Nghệ thuật lập luận nổi bật trong bài Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác của Ăng-ghen là nghệ thuật trùng điệp và kiểu so sánh tăng tiến (Xem thêm trong bài Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác. Có thể tiến hành các thao tác cụ thể sau:

– Phát hiện và thống kê các biện pháp nghệ thuật đã được tác giả sử dụng trong đoạn trích.

– Các biện pháp nghệ thuật đó thể hiện dụng ý nghệ thuật gì của tác giả?

– Đánh giá mức độ quan trọng và khẳng định lại giá trị lập luận của các biện pháp nghệ thuật đã phát hiện.

Mai Thu