Tuần 29 – Đọc thêm: Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

Tuần 29 – Đọc thêm: Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn An Ninh (1899 – 1943) sinh ra ở quê mẹ – xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An), lớn lên ở quê cha – xã Mĩ Hoà, Hóc Môn, Gia Định, nay là ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh. Thân phụ ông là nhà thơ yêu nước Nguyễn An Khương.

Nguyễn An Ninh là một trí thức yêu nước có học vấn. Ông từng học đại học trong nước rồi sang Pháp học, đỗ Cử nhân Luật năm 1920. Ông từng tìm hiểu nhiều nước châu Âu và có quan hệ khá mật thiết với các nhà yêu nước nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Phan Văn Trường.

Từ một trí thức Tây học, ông đến với chủ nghĩa Mác và những người cộng sản. Ông hoạt động cách mạng rất năng nổ, từng nhiều lần bị bắt giam, bị hành hạ và tù đày, cuối cùng ông mất tại Côn Đảo.

Sự nghiệp và tên tuổi của Nguyễn An Ninh gắn với những buổi diễn thuyết sôi động và những bài báo nổi tiếng một thời cuốn hút thanh niên và dư luận trong cả nước. Là một trí thức tân tiến, ông phê phán mạnh mẽ đạo Khổng và đề cao tinh thần học hỏi văn hoá châu Âu để xây dựng một nền văn hoá đặc sắc riêng của nước nhà. Văn phong của Nguyễn An Ninh khúc chiết, trong sáng, vừa có độ sâu về tư duy văn hoá vừa tràn đầy nhiệt huyết của con người yêu nước gần gũi với đời sống và con người lao động.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Trong bài văn, Nguyễn An Ninh đã cực lực phê phán những kiểu học đòi chạy theo "Tây hoá":

Xem thêm:  Tuần 35 - Kiểm tra tổng hợp cuối năm

– Đó là việc: "Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình", bởi họ cho đó là "một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc".

– Nhiều người khác lại bắt chước những "kiểu kiến trúc và trang trí lai căng" của phương Tây.

Theo tác giả: "Nhiều người An Nam bị Tây hoá hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hoá châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương". Tuy nhiên, thực tế thì họ "chẳng có được một thứ văn minh nào". Không những thế, "Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng".

2. Theo tác giả, tiếng nói vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc. "Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị". Nhận định của tác giả là hoàn toàn có căn cứ bởi tiếng nói là tinh thần của dân tộc, là văn hoá của dân tộc và như chính tác giả đã khẳng định: "Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi […]. Vì thế đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình […]".

3. Tác giả đã đưa ra ba dẫn chứng để khẳng định rằng tiếng nước mình không nghèo nàn:

– "Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?". Tác giả đặt ra một câu hỏi mang tính khẳng định. Ngôn ngữ của Nguyễn Du là ngôn ngữ nổi bật trong Truyện Kiều – một kiệt tác văn chương được đánh giá là đã thể hiện được một cách sâu sắc và phong phú nhiều mặt của đời sống con người nhất là đời sống nội tâm.

Truyện Kiều là một minh chứng về khả năng biểu đạt tài tình của ngôn ngữ mà không ai có thể phủ định được. Đó là một dẫn chứng hoàn toàn thuyết phục.

– Tác giả tiếp tục đưa ra câu hỏi mang tính khẳng định: "Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?". Một sự suy luận rất lô gích và hoàn toàn có lí. Trung Hoa rộng lớn và được coi là một trong những cái nôi văn hoá của thế giới. Tác phẩm văn học của họ phong phú và cũng vô cùng sâu sắc, thế nhưng ngôn ngữ của ta vẫn đủ sức chuyển dịch được tất cả những điều tưởng như quá lớn lao ấy. Tiếng An Nam đã làm được như vậy thì theo tác giả, không có lí gì để chúng ta không thể viết được những tác phẩm tương tự (bởi ngôn ngữ của chúng ta thừa khả năng biểu đạt được những điều đó).

– Dẫn chứng thứ ba được tác giả đưa ra đơn giản hơn tất cả. Nó hướng người ta vào hành động và nếu ai còn hoài nghi, thậm chí có thể kiểm tra lại ngay bất cứ lúc nào: "Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này: Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra".

Xem thêm:  Tuần 32 - Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận

4. Phê phán những kẻ học đòi Tây học nhưng Nguyễn An Ninh không phủ nhận ngôn ngữ nước ngoài. Theo tác giả: "Chúng ta không thể né tránh châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu". Như thế, theo tác giả, rõ ràng muốn nước mình độc lập, thì phải hiểu nước ngoài mà muốn hiểu được họ thì trước hết phải nắm được ngôn ngữ của họ. Không phủ nhận, thậm chí, tác giả còn khuyến khích việc để cho "Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa". Sự hoà hợp của thế giới là một sự tất yếu. "Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình".

5. Trong bài viết, Nguyễn An Ninh khẳng định: "Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian”. Trong hoàn cảnh nước nhà đang bị thực dân thống trị, câu nói trên của tác giả là có lí nhưng không hoàn toàn đúng. Muốn giải phóng dân tộc, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng vũ trang với một đường lối đúng đắn, chứ không thể chỉ làm cho ngôn ngữ phong phú được.

Mai Thu