Tuần 26 – Đọc thêm: Bài thơ số 28 (trong tập Người làm vườn)
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Ra-bin-đra-nát Ta-go (1861 – 1941) là nhà thơ, nhà văn hoá lớn của Ấn Độ. Ta-go đã để lại cho kho tàng văn học Ấn Độ và thế giới một di sản lớn lao: 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết,… đặc biệt là tập Thơ Dâng – tập thơ được Giải Nô-ben văn học năm 1913.
Cống hiến vì đại nhất của Ta-go là ở chỗ ông đã phát huy được truyền thống đấu tranh yêu nước và nhân đạo chủ nghĩa của dân tộc Ấn Độ, kết hợp với tinh hoa văn hoá phương Tây.
2. Sáng tác của Ta-go ca ngợi tình yêu thương cao cả giữa con người với con người một cách chân thành, mở rộng với lòng từ bi và đức tin của truyền thống tôn giáo Ân Độ. Ông tiếp thu những nét tích cực trong chủ nghĩa nhân đạo phương Tây, như đòi giải phóng cá tính, đề cao tinh thần tự giác đấu tranh cho tự do, đòi công bằng bác ái, tin ở sức mạnh con người.
Theo Ta-go, con người là đáng tôn thờ nhất, do đó, ông đề xướng "tôn giáo Con Người". Tầng lớp nhân dân lao động cùng khổ cũng được Ta-go quan tâm.
Mặc dù nội dung nhân đạo của Ta-go có màu sắc duy tâm, huyền bí nhưng nội dung cơ bản của nó vẫn là tình yêu đất nước, yêu con người, yêu sự sống.
3. Người làm vườn là một trong những tập thơ nổi tiếng của Ta-go. Tên tác phẩm gợi hình tượng nhà thơ nguyện làm người chăm sóc vườn hoa cuộc đời. Với Ta-go, vườn đời thật tươi đẹp, được sống trên đời thực sự là niềm vui khi ở đó chứa chan tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Và thi nhân chính là người hát ca, người vun xới cho những bông hoa tình yêu ấy. Người làm vườn tiêu biểu cho phong cách thơ Ta-go – một giọng thơ giàu chất trữ tình và chất triết lí, vừa thể hiện tâm hồn Ấn Độ vừa bao quát tinh thần nhân loại.
Bài thơ số 28 được in trong tập Người làm vườn, là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Bài thơ khảng định: tình yêu là sự đồng điệu, hoà hợp, dâng hiến tâm hồn, tin yêu và hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng trái tim con người, thế giới tâm hồn con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao. Chính vì vậy, việc tìm tới sự đồng điệu chan hoà vào thế giới tâm hồn của người yêu luôn là những khao khát không bao giờ vươn tới nổi. Điều đó tạo nên vẻ đẹp và sự hấp dẫn muôn đời của tình yêu.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Nghĩa bài thơ được diễn giải theo các tầng bậc từ thấp đến cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ nghĩa thực đến nghĩa triết lí, và cảm xúc trong bài cũng được nâng dần theo các tầng nghĩa của bài. Sự đan chéo giữa lời lẽ của một người tình pha một triết gia làm cho ý nghĩa và cảm xúc trong bài thơ càng thêm sâu sắc, cao siêu.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh so sánh thể hiện sự khát khao trong tình yêu:
Đôi mắt băn khoăn của em buồn,
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Đôi mắt – "cửa sổ tâm hồn", dưới con mắt nhà thơ, như ánh sáng kì diệu của trời đất, đang muốn rọi sáng tận đáy sâu của trái tim người yêu, như trăng kia muốn vào sâu biển cả. Câu thơ thể hiện một niềm khát khao mãnh liệt và sâu sắc – đó là niềm khao khát hoà hợp tâm hồn, là khát vọng muốn chan hoà và thấu hiểu người mình yêu. Nhưng đôi mắt ấy cũng đủ chứa một nỗi băn khoăn, u buồn vì khát khao trên là vô vọng. Rất chân thành, chàng trai thổ lộ: "Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em – Anh không giấu em một điều gì". Nhưng thật là một nghịch lí: "Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh". Bởi tất cả những điều em biết về anh đều mới chỉ là những cái bề ngoài, còn cái đáy sâu thẳm trong tâm hồn anh, trái tim anh (những suy nghĩ, cảm xúc) có dễ đâu nắm bắt được và sẽ chẳng bao giờ có thể thấu hết được.
2. Những câu thơ tiếp theo, Ta-go đưa ra liên tiếp những giả định. Nếu cuộc đời anh là một đoá hoa, một viên ngọc, anh sẽ hái nó, sẽ xâu nó thành một chuỗi dâng tặng cho em. Nhưng cuộc đời anh đâu phải thế. Bởi "đời anh là một trái tim". Nếu trái tim anh "chỉ là một phút giây lạc thú", thì em cũng dễ chia vui bằng nụ cười nhẹ nhõm; nếu trái tim anh "chỉ là đau khổ" thì người yêu cũng dễ thông cảm bằng hàng lệ trong. Nhưng đâu chỉ có thế. Chàng trai biết mình có một trái tim phức tạp hơn nhiều: "trái tim anh lại là tình yêu". Một trái tim đâu chỉ có những vui sướng, đau khổ dễ chia sẻ, cảm thông mà bao gồm nhiều nỗi đối lập, mâu thuẫn: vừa sung sướng – vừa khổ đau, vừa thiếu thốn – vừa giàu sang, mà tất cả lại đều vô biên, trường cửu, một thế giới bí ẩn, không giới hạn, không ai có thể đo đếm được.
Bài thơ là hệ thống tầng tầng lớp lớp những hình ảnh tượng trưng và so sánh: đôi mắt em muốn nhìn… như trăng kia muốn vào sâu biển cả (sự khao khát hoà hợp, thấu hiểu tâm hồn), đời anh là viên ngọc, đoá hoa (những cái đẹp đẽ nhất, quý giá nhất), em là nữ hoàng của vương quốc đó (em là người làm chủ trái tim anh), em có biết gì biên giới của nó đâu (cái bí ẩn vô biên của trái tim anh)… Hệ thống những hình ảnh so sánh, tượng trưng này làm cho tình yêu được mĩ lệ hoá, lung linh những màu sắc huyền diệu. Bài thơ gợi niềm say mê chính là vì thế.
Bài thơ rất giàu chất triết lí. Đưa ra những lập luận, những giả thiết rồi lại phản bác, Ta-go muốn khẳng định: sự vật của đời sống không chi được nhìn nhận theo một chiều mà luôn đặt trong sự nghi vấn để tìm sự thật cuối cùng. Nhà thơ hướng về cái vô hạn của vũ trụ (biển cả, vương quốc) để khẳng định sự bí ẩn, sâu xa của tâm hồn và cũng đồng thời nhấn mạnh những quy luật muôn đời của tình yêu.
Với tình yêu, Ta-go khẳng định: tình yêu là một cuộc dâng hiến trọn vẹn và luôn là một cuộc khám phá, đi tìm. Nhưng trái tim yêu mãi mãi vẫn là những điều bí ẩn. Chiếm lĩnh cái bí ẩn, vô bờ, không giới hạn của tâm hồn người yêu sẽ luôn là khát khao vĩnh cửu của con người.
3. Cách nói nghịch lí
Anh không giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
không chỉ xuất hiện ở đoạn đầu mà còn được sử dụng khá nhiều lần trong bài thơ. Cách nói ấy thể hiện một điều kì diệu trong tình yêu, đó là những cái bề ngoài thì dễ nắm bắt còn sự phong phú, phức tạp của trái tim thì không dễ đâu nắm bắt được. Cái quý giá nhất của cuộc đời chàng trai là một trái tim – một thế giới tinh thần bí ẩn, vô biên, một vương quốc mà em là nữ hoàng, là người làm chủ nó mà cũng không thể biết được biên giới của nó xa gần, rộng hẹp đến đâu. Đây chính là một khoảng cách không bao giờ phá nổi, một đinh cao không bao giờ bị chinh phục của tình yêu. Niềm hoà hợp, đồng cảm dù đẹp đẽ đến đâu cũng không bao giờ trọn vẹn bởi đặc tính này của trái tim con người.
Bài thơ được kết cấu theo tầng bậc. Ý một: Anh xin dâng hiến trọn vẹn cuộc đời anh cho em. Ý hai: Nhưng không bao giờ em có thể chiếm lĩnh trọn vẹn trái tim anh. Hai ý này ngày càng được bổ sung ở mức độ cao hơn trong những lập luận của toàn bài.
Sự đối lập giữa khát vọng giãi bày, dâng hiến, chan hoà vào tâm hồn người yêu và cái bí ẩn không gì khám phá nổi của trái tim là những đối lập tồn tại mãi mãi trong tình yêu. Sự hoà hợp trọn vẹn trong tình yêu là điều không thể đến, nhưng tình yêu luôn là niềm khao khát cái trọn vẹn ấy.
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tuần 35 – Kiểm tra tổng hợp cuối năm
Tuần 35 – Kiểm tra tổng hợp cuối năm Hướng dẫn A – ĐỀ BÀI [...]
Th1
Tuần 34 – Ôn tập phần làm văn
Tuần 34 – Ôn tập phần làm văn Hướng dẫn 1. Quan niệm, yêu cầu [...]
Th1
Tuần 34 – Luyện tập tóm tắt văn bản nghị luận
Tuần 34 – Luyện tập tóm tắt văn bản nghị luận Hướng dẫn 1. SGK [...]
Th1
Tuần 34 – Ôn tập phần Tiếng Việt
Tuần 34 – Ôn tập phần Tiếng Việt Hướng dẫn 1. a) Giao tiếp là [...]
Th1
Tuần 33 – Tóm tắt văn bản nghị luận
Tuần 33 – Tóm tắt văn bản nghị luận Hướng dẫn I – KIẾN THỨC [...]
Th1
Tuần 33 – Ôn tập phần Văn học
Tuần 33 – Ôn tập phần Văn học Hướng dẫn 1. Thơ mới khác với [...]
Th1