Tuần 24 – Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh

Tuần 24 – Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Nhớ lại những kiến thức về đoạn văn:

1. Thế nào là một đoạn văn?

Đoạn văn là một phần của văn bản, được tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng (chấm qua hàng). Đoạn văn có tính trọn vẹn về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức.

2. Một đoạn văn cần đảm bảo các yêu cầu:

– Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất.

– Liên kết chật chẽ với các đoạn văn đứng trước và sau nó.

– Diễn đạt chính xác và trong sáng.

– Gợi cảm và hấp dẫn.

3. Sự giống nhau và khác nhau giữa một đoạn văn tự sự và một đoạn văn thuyết minh:

– Cả hai loại đoạn văn này đều cần phải đạt được những yêu cầu của một đoạn vãn nói chung.

– Hai loại đoạn văn này khác nhau ở vai trò: đoạn tự sự có vai trò kể việc trong khi đoạn thuyết minh tập trung làm sáng tỏ và thuyết phục người nghe về một vấn đề nào đó.

4. Một đoạn văn thuyết minh gồm ít nhất hai phần chính: phần nêu chủ đề của đoạn và phần thuyết minh (nghĩa là phần đưa ra các dẫn chứng hay lí lẽ nhằm làm sáng tỏ chủ đề của đoạn). Trong quá trình triển khai đoạn văn thuyết minh, người viết có thể sắp xếp các ý theo trình tự thời gian, không gian, nhân thức, phản bác – chứng minh, bởi các hình thức sắp xếp này đều có tác dụng tích cực trong việc làm sáng tỏ chủ đề thuyết minh.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Phác thảo qua dàn ý đại cương cho bài thuyết minh về một nhà khoa học hoặc một tác phẩm văn học.

Gợi ý: Có thể nêu những ý sau.

a) Về một nhà khoa học:

– Giới thiệu khái quát tên tuổi, quê quán, lĩnh vực chuyên ngành nghiên cứu

– Giới thiệu con đường khoa học của nhà khoa học đó.

Xem thêm:  Tuần 34 - Tổng kết phần Văn học

– Những đóng góp của ông (bà) cho khoa học.

– Giới thiệu vài nét về cuộc sống đời tư.

b) Về một tác phẩm văn học.

– Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm.

– Thể loại.

– Thuyết minh về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (chú ý những nét đặc sắc).

– Đánh giá về tác phẩm (của quá khứ và đương thời).

2. Sau khi lập dàn ý, có thể chọn một trong các ý để viết một đoạn văn theo các bước đã được gợi ý trong SGK.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một con người, một danh lam thắng cảnh hoặc một phong trào hoạt động mà anh (chị) có dịp tìm hiểu kĩ.

Tham khảo bài văn sau:

MỘT VÙNG THẮNG CẢNH

Thắng cảnh Non Nước đã được cả nước biết đến từ rất lâu và được đón nhiều tao nhân mặc khách tới thăm viếng đề thơ ca ngợi. Đầu thế kỉ XIX, vua Minh Mạng cũng đến thăm thắng cảnh này. Dựa vào thế đất, thế núi, thuyết âm dương ngũ hành và giáo lí nhà Phật, vua Minh Mạng đặt tên cho quần thể năm quả núi này là Ngũ Hành Sơn; đồng thời dựa vào đặc điểm riêng, nhà vua đặt tên năm ngọn núi là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn. Vua Minh Mạng cũng đặt tên cho một số hang động tiêu biểu là Huyền Không, Hoá Nghiêm, Linh Nham, Lăng Hủ, Văn Thông, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long,… Nhà vua còn cho khắc tên những ngọn núi, hang động lên vách đá.

Năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn đứng trên phường Hoà Hải (phường anh hùng), quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Mỗi thôn của Hoà Hải có những di tích riêng. Thôn Sơn Thuỷ có nhiều di tích về lịch sử, văn hoá vì Sơn Thuỷ được thiên nhiên ban tặng tới một nửa trong số năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Đó là Kim Sơn, Thổ Sơn và Dương Hoả Sơn. Vì vậy, Sơn Thuỷ có nhiều hang động, đình, chùa, miếu nhất so với các thôn bạn.

Xem thêm:  Tuần 19 - Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh (Bài làm ở nhà)

[…] Từ thuở khai thiên lập địa, Thổ Sơn là một dãy núi đất, trên đỉnh và các sườn phía đông, bắc có nhiều khối đá lớn và những vách đá, còn toàn thân núi là đất sét đỏ tươi. Xưa kia, người Chiêm Thành dùng đất sét này tạo ra những viên gạch cổ nổi tiếng. Do bị tác động và xâm thực của thiên nhiên và con người hàng nghìn năm qua, Thổ Sơn bị tách làm hai phần khác nhau. Phần chính gọi là núi Ông Biền (thế kỉ XV, ông Trần Biền quê Thanh Hoá vào đây lập nghiệp); phần thứ hai giống con cóc khổng lồ ngồi bên bờ sông cổ Cò nên có tên là núi Ông Cóc. Xưa kia núi Ông Cóc nằm sát bờ sông cổ Cò (sông Ba Chà, Trường Giang), nay núi Ông Cóc thụt sâu vào trong, có con đường chạy qua và có trạm điện dân dụng. Núi Ông Cóc có hang Rái (hang Gần), hang Giàu (hang Bồ Đề), hang Xoài.

Rời Thổ Sơn, chúng tôi thãm miếu Tam Vị, xây từ thời vua Gia Long. Có giả thuyết nói miếu Tam Vị thờ các vị thần Núi, Sông, Đất; cũng có giả thuyết cho là miếu Tam Vị thờ ba vị thần linh người Chiêm Thành, nhưng không ai biết tên ba vị thần ấy. Qua hai thế kỉ, miếu Tam Vị được tu bổ nhiều lần, lần mới nhất cũng cách đây 30 nãm. Cây bồ đề trước cửa miếu này rất sung sức, rễ của nó bám chặt vào thành miếu và vô tình kết thành cái cửa võng thật đẹp. Cách miếu Tam Vị không xa là đình Khuê Bắc, xây dựng hồi đầu thế kỉ XX. Do không được sử dụng và tu bổ, nay đình Khuê Bắc hoang tàn, nhưng phần hành lang có mái vòm vẫn còn vững lắm. Đình làng Khuê Bắc và cái sân rộng trước đình, ngày trước, nhân dân làng Khuê Bắc và các làng lân cận tập trung đi giành chính quyền mùa thu năm 1945.

Từ đầu đường Sư Vạn Hạnh vào đến núi Kim Sơn, ta gặp chùa Thái Sơn. Trên núi Dương Hoả Sơn có chùa Phổ Đà, có động Huyền Vi (động A Di Đà). Đường vào chùa Phổ Đà rộng 2 mét, lát gạch vuông hình dấu ấn cổ. Hai trụ cổng vào.có khắc nổi 6 chữ Hán “Giác Hoàng Viên Lợi Nhân Thiên”, ghi lại những nãm tháng hoà thượng Giác Hoàng Viên người cố đô Huế vào trụ trì chùa này. Dương Hoả Sơn còn có miếu Ông Chài, nay không còn. Nổi bật một vùng cày cỏ, hoa lá tươi tốt, chim muông ca hót, hương sen ngào ngạt là chùa Quan Thế Âm toạ lạc trên vùng đất khá rộng, thoáng mát, lưng tựa vào núi Kim Sơn, nhìn ra sông cổ Cò. Tương truyền, mỗi lần vua Minh Mạng và các vua khác nhà Nguyễn du ngoạn Ngũ Hành Sơn, thường dùng thuyền rồng đi trên sông cổ Cò. Thuyền cập Bến Ngự. Nay Bến Ngự không còn. Gần đây, nhân dàn phát hiện một cây gỗ lim lớn, xưa kia neo thuyền rồng của nhà vua tại Bến Ngự.

Xem thêm:  Tuần 29 - Truyện Kiều (tiếp theo - Nỗi thương mình)

Không biết từ bao giờ, dưới chân núi Kim Sơn có cái am nhỏ bằng tranh tre. Nãm 1950, hoà thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện một cái động ở chân núi Kim Sơn, bên trong có pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật, vô cùng đẹp, thiên tạo. Vì vậy, động này mang tên động Quan Âm. Hoà thượng cho mở đường vào động và cho xây chùa mới thay cho cái am bằng tranh cũng mang tên Quan Âm. Qua nhiều lần trùng tu, nay chùa Quan Âm bề thế, rực rỡ bởi những màu sắc và đường nét tinh xảo. Hằng năm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, chùa mở “Hội Quan Âm” thu hút du khách thập phương.

Xưa nay, khách du lịch mới biết đến những thắng cảnh trên núi Chùa (Thuỷ Sơn). Thực ra, Ngũ Hành Sơn còn có nhiều cảnh đẹp ở Thổ Sơn, Kim Sơn, Dương Hoả Sơn, lại tập trung ở thôn Sơn Thuỷ, phường Hoà Hải, chỉ cách Đà Nẵng 9 km về phía nam.

(Theo Phó Đức Vượng, báo Hà Nội mới cuối tuần)

Mai Thu