Tuần 2 – Tuyên ngôn Độc lập
Hướng dẫn
PHẦN MỘT: TÁC GIẢ
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Hồ Chí Minh (1890 – 1969) sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, quê ở làng Kim Liên (làng Sen), nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời trẻ, Người học chữ Hán, sau đó học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp ở Trường Quốc học Huế. Năm 1910, Người vào dạy học ở Trường Dục Thanh – một trường học của tổ chức yêu nước ở tỉnh Phan Thiết, ít lâu sau, vào Sài Gòn; tháng 6 năm 1911 Người lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Năm 1918, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp, thành lập Hội Những người Việt Nam yêu nước. Năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam ở Pháp gửi tới Hội nghị hoà bình họp ở Véc-xay bản Yêu sách của nhân dân An Nam, kí tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Người tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân và đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Từ năm 1923 đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan. Ngày 3-2-1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hương Cảng. Từ năm 1940, Người lấy tên là Hồ Chí Minh. Đầu năm 1941, Người về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng để lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếp đó, Người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hồ Chí Minh qua đời ngày 2- 9 – 1969.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Đóng góp to lớn nhất của Người đối với đất nước là sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá lớn.
2. Những nét chính về sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh (xem phần Hướng dẫn tìm hiểu bài).
II. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Về quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh.
– Là một nhà cách mạng với "ham muốn tột bậc" là đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, Hồ Chí Minh coi văn chương trước hết là vũ khí chiến đấu, nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận.
– Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng ý thức về mục đích và xác định rõ ràng đối tượng tiếp nhận. Người quan niệm trước khi viết, nhà văn phải tự hỏi viết cho ai, viết để làm gì, sau đó mới quyết định viết cái gì và viết như thế nào. Vì quan điếm ấy, sáng tác của Người chủ yếu tập trung vào đề tài "chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
– Hồ Chí Minh chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Người đề cao thứ văn học "chân thật", "thật thà", chống văn học "giả dối", "bịa đặt". Đồng thời Người cũng chủ trương viết cho dễ hiểu, cho "thấm thìa", có "văn chương" để quần chúng hiểu và thích đọc.
Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh vừa phát huy truyền thống văn thơ đuổi giặc, vừa thống nhất với quan điểm văn học mác xít xem văn học nghệ thuật như một mặt trận và các nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
2. Những nét chính về sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh rất đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều thể loại và phong cách khác nhau, khi viết bằng tiếng Pháp, khi viết bằng tiếng Hán, tiếng Việt. Đáng chú ý nhất là các tác phẩm chính luận, truyện ngắn, thơ ca và hồi kí.
– Văn chính luận là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh. Những tác phẩm như Bảnán chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập, tự do đã thể hiện một ngòi bút chính luận hết sức đanh thép, hùng hồn; một trí tuệ sáng suốt, sắc sảo và tấm lòng yêu ghét nồng nàn, sâu sắc của một trái tim vĩ đại.
– Truyện và kí: Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng tác một số truyện ngắn, kí, tiểu phẩm (sau này được tập hợp trong tập Truyện và kí). Đó là những truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp như: Pa-ri, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, "Vi hành", Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu,… Bằng một bút pháp văn xuôi hiện đại, trí tưởng tượng phong phú, vốn văn hoá sâu rộng, trí tuệ sắc sảo và trái tim tràn đầy nhiệt tình yêu nước, trong những truyện ngắn này, tác giả đã tập trung tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của bọn thực dân và phong kiến đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước cách mạng.
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn có những bài hồi kí viết vào những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ XX, kí tên là T. Lan (Vừa đi đường vừa kể chuyện), L.T,… Hiển hiện trong những bài kí là một cái tôi trẻ trung, hồn nhiên, giản dị, năng khiếu quan sát sắc sảo của một kí giả có tài.
– Thơ ca: Hồ Chí Minh sáng tác tập thơ Nhật kí trong tù trong thời gian bị giam giữ tại Quảng Tây dưới chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943. Ngoài ra phải kể đến một số chùm thơ Người viết ở chiến khu Việt Bắc. Những tác phẩm này hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ điển và viết bằng chữ Hán. Tất cả đã minh chứng cho một sự nghiệp văn học phong phú, đa dạng của tài năng văn học Hồ Chí Minh.
3. Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.
Những đặc điểm chung nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh là:
– Ngắn gọn, hàm súc, giản dị, trong sáng.
– Linh hoạt, sáng tạo, hoàn toàn làm chủ trong việc sử dụng các hình thức thể loại và ngôn ngữ, các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhằm mục đích thiết thực của mỗi tác phẩm.
– Một tinh thần cách mạng tiến công cải tạo hoàn cảnh, cải tạo thế giới bắt nguồn từ một tấm lòng nhân ái bao la, một tâm hồn luôn luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai, thể hiện sâu sắc trong chủ đề của mọi tác phẩm, tạo nên linh hồn và sức sống của mọi hình tượng.
III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Về sự hoà hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại của thơ Hồ Chí Minh trong bài thơ Chiều tối (Mộ).
Trong rất nhiều bài thơ của tập Nhật kí trong tù, người đọc thấy có sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại. Chất cổ điển trong các bài thơ ở Nhật kí trong tù chủ yếu thể hiện ở hình tượng nhân vật trữ tình với phong thái ung dung tự tại, ở bút pháp chấm phá trong miêu tả cảnh vật,… Bút pháp hiện đại thể hiện ở sự vận động của hình tượng thơ, ở vai trò chủ động của người nghệ sĩ trong mối quan hệ với thiên nhiên.
Bút pháp cổ điển trong bài thơ Chiều tối thể hiện ở việc nhà thơ sử dụng những hình ảnh ước lệ (cánh chim, chòm mây) để diễn tả không gian, thời gian. Những hình ảnh này đều khá quen thuộc trong thơ ca truyền thống: "Chim bay về núi tối rồi" (ca dao) hay "Chim hôm thoi thót về rừng" (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Bút pháp cổ điển còn thể hiện ở những nét chấm phá, lấy cái có để gợi cái không, tả ít nhưng gợi nhiều.
Bút pháp hiện đại trong bài Chiều tối thể hiện ở sự vận đông của ý thơ từ buồn lặng sang lạc quan, từ bóng tối ra ánh sáng. Bèn cạnh đó, hình ảnh con người xuất hiện trong bài thơ này (cô gái xóm núi) nổi bật và chủ động (khác hoàn toàn với hình ảnh con người nhỏ bé, nhạt nhoà thường thấy trong những bài thơ viết về cảnh chiều tối trong thơ ca cổ điển, chẳng hạn như bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan).
2. Qua tập thơ Nhật kí trong tù, người đọc có thể thấy nhiều bài học thấm thìa và sâu sắc. Tuỳ theo hoàn cảnh và những cảm nhận riêng mà mỗi người có thể rút ra những bài học về:
– Bản lĩnh và nghị lực của con người trong hoàn cảnh gian nan, thử thách.
– Tình yêu tự do, yêu quê hương đất nước.
– Tình yêu thiên nhiên.
– Tấm lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của con người.
v.v.
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tuần 18 – Ôn tập phần Văn học
Tuần 18 – Ôn tập phần Văn học Hướng dẫn 1. Quá trình phát triển [...]
Th1
Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận
Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận Hướng dẫn [...]
Th1
Tuần 17 – Đọc thêm: Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (trích Những năm tháng không thể nào quên)
Tuần 17 – Đọc thêm: Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (trích Những [...]
Th1
Tuần 17 – Ai đã đặt tên cho dòng sông? (trích)
Tuần 17 – Ai đã đặt tên cho dòng sông? (trích) Hướng dẫn I. KIẾN [...]
Th1
Tuần 16 – Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận
Tuần 16 – Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận Hướng dẫn I. KIẾN [...]
Th1
Tuần 16 – Người lái đò Sông Đà (trích)
Tuần 16 – Người lái đò Sông Đà (trích) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ [...]
Th1