Từ tượng hình, từ tượng thanh
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Ở bài này, các em cần nắm được 2 vấn đề:
– Thế nào là từ tượng hình, từ tượng thanh?
– Công dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh.
1. Thế nào là từ tượng hình, từ tượng thanh?
a)Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng dấp, dáng vẻ, trạng thái,… của sự vật. Phần lớn từ tượng hình là từ láy.
Ví dụ:
– Từ tượng hình gợi tả dáng dấp, dáng vẻ của người: lom khom, thướt tha, bệ vệ, đủng đỉnh; lặc lè, lòng khòng, lừ đừ, thất thểu, tập tễnh,…
– Gợi tả dáng dấp của sự vật: lè tè, chót vót, ngoằn ngoèo, thăm thẳm, mênh mông, nhấp nhô, khấp khểnh, phập phồng, mấp mô,…
– Gợi tả màu sắc: chon chót, bềnh bệch, sặc sỡ, loè loẹt, chói chang,…
b) Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người. (Trong thuật ngữ từ tượng thanh, tượng là mô phỏng, thanh là âm thanh.) Phần lớn từ tượng thanh là từ láy. Một số ví dụ:
– Từ tượng thanh mô phỏng tiếng người nói: léo nhéo, râm ran, bập bẹ, the thé, ồm ồm, oang oang, ấp úng, bô bô, ông ổng, phều phào, thỏ thẻ, thủ thỉ,…
– Tiếng người cười: ha hả, hà hà, khúc khích, sằng sặc, hô hố, khà khà, hềnh hệch, ngặt nghẽo, rúc rích, sặc sụa,…
– Tiếng nước chảy: ồng ộc, róc rách, tồ tồ, ồ ồ, rào rào,…
– Tiếng gió thổi: ào ào, xào xạc, vi vu, rì rào, vu vu, vi vút,…
– Tiếng chim kêu: chiêm chiếp, líu lo, ríu rít, quang quác, thánh thót,…
– Tiếng chân người đi: thình thịch, bành bạch, lạch bạch, lệt sệt, loẹt quẹt,…
2. Công dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh
Từ tượng hình và từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh rất cụ thể, sinh động, đa dạng, nhiều màu vẻ. Do đó, nó có giá trị miêu tả, giá trị biểu cảm cao. Khi được sử dụng trong văn miêu tả và tự sự, từ tượng hình và từ tượng thanh góp phần làm cho cảnh vật, con người hiện ra tự nhiên, sống động với nhiều dáng vẻ, cử chỉ, âm thanh, màu sắc và tâm trạng khác nhau. Từ tượng hình và từ tượng thanh là lớp từ có vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn chương.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. – Muốn tìm được từ tượng hình, từ tượng thanh trong các câu văn của Ngô Tất Tố, em đọc chậm rãi từng câu, chú ý các từ gợi ra hình ảnh, âm thanh. Ví dụ, ở hai câu đầu "Thằng Dần… chỗ chồng nằm”, em có thể tìm được các từ: soàn soạt (tượng thanh), rón rén (tương hình).
– Cũng tương tự, ở các câu còn lại: bịch (bịch luôn vào ngực chị Dậu…); bốp (… một cái đánh bốp); lẻo khoẻo (sức lẻo khoẻo của anh chàng…); chỏng quèo (hắn ngã chỏng quèo…).
2. Tham khảo từ mẫu trong SGK và các ví dụ ở mục I (Kiến thức cơ bản cần nắm vững) để tìm ít nhất 5 từ tượng hình gợi tả dáng đi của người.
3. Phân biệt nghĩa của các từ tượng thanh tả tiếng cười chính là miêu tả nghĩa của từng từ tượng thanh này. Muốn biết nghĩa của từng từ, em tra Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên). Cụ thể, em tra “vần H”, tìm các mục từ ha hả, hì hì, hô hố, hơ hớ. Em sẽ có được kết quả sau:
– ha hả: gợi tả tiếng cười to, tỏ ra rất khoái chí, thoả mãn.
– hì hì: mô phỏng tiếng cười phát ra đằng mũi, âm thanh nhỏ, biểu lộ sự thích thú, có vẻ hiền lành.
– hô hố: mô phỏng tiếng cười to và thô lỗ, khó nghe, gây cảm giác khó chịu cho người khác.
– hơ hớ: mô phỏng tiếng cười rất tự nhiên, thoải mái, vui vẻ, không cần giữ gìn.
4. Trước khi đặt câu với từng từ cho sẵn, em tìm hiểu nghĩa của từ đó (xem từ đó gợi tả hình ảnh nào, mô phỏng âm thanh gì; được dùng để nói về sự vật, hiện tượng nào…). Từ đó, em dự kiến nội dung của câu sẽ đặt, trong đó có sử dụng từ tượng hình, tượng thanh cho sẵn. Em tham khảo một số câu sau:
a) Mưa lắc rắc vài hạt rồi lại tạnh.
b) Mồ hôi trên mặt Thành rơi lã chã.
Em tự đặt câu với các từ còn lại.
5*. Có khá nhiều bài thơ, đoạn thơ sử dụng thành công các từ tượng hình, từ tượng thanh. Em tham khảo một số bài thơ, đoạn thơ dưới đây (từ tượng hình, từ tượng thanh được in đậm):
a)Mẹ rằng: Quê mẹ, Bảo Ninh
Mênh mông sông biển, lênh đênh mạn thuyền.
Sớm chiều, nước xuống triều lên
Cực thân từ thuở mới lên chín mười.
(Tố Hữu, Mẹ Suốt)
b)Xa xa, sau lớp nhà xiêu
Một tia khói nhỏ ngoằn ngoèo bay lên…
Hắn khoái trá cười điên sằng sặc
Nhe hàm răng sáng quắc như gươm.
(Tố Hữu, Bà má Hậu Giang)
c)Chị Tre chải tóc bên ao
Nàng Mây áo trắng ghé vào soi gương
Bác Nồi Đồng hát bùng boong
Bà Chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà.
(Trần Đăng Khoa, Buổi sáng nhà em)
d)Sao Mai chờn vờn ngang mặt
Nam Tào Bắc Đẩu gần thôi
Vừa mới bước qua ngõ duối
Đã đi lơ lửng giữa trời.
Cổng làng bồng bềnh mây nổi
Bốn bề sương khói ngổn ngang
Trâu quên đôi sừng lấm đất
Tưởng mình lừng thững lên Trăng.
Tán đa bừng ra dột ngột
Có ai? Ơ bác thợ cày
Ngồi thổi nùn rơm, rít thuốc
Sau lưng, đồng lếnh láng bay.
(Trần Đăng Khoa, Trong sương sớm)
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Soạn bài: Tổng kết phần Văn
Soạn bài: Tổng kết phần Văn Hướng dẫn 1. Lập bảng thống kê các văn [...]
Th3
Soạn bài: Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt
Soạn bài: Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt Hướng dẫn I. LÍ THUYẾT [...]
Th3
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn)
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN [...]
Th3
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt)
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) Hướng dẫn 1. Tìm các từ [...]
Th3
Hoạt động ngữ văn: Làm thơ bảy chữ
Hoạt động ngữ văn: Làm thơ bảy chữ Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN [...]
Th1
Hai chữ nước nhà (trích)
Hai chữ nước nhà (trích) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG [...]
Th1