Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mỵ trong Vợ chồng A phủ

Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mỵ trong Vợ chồng A phủ

Hướng dẫn

  • Mở bài:

Trong truyện ngắn Mùa lạc, nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Không chỉ nhân vật Đào trong tác phẩm mà còn có nhân vật Mỵ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là những điển hình tiêu biểu khẳng định mạnh mẽ chân lí ấy. Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mỵ làm nên sức sống mãnh liệt trong nhân vật.

  • Thân bài:

Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn xuất sắc của đời văn Tô Hoài và của nền văn học kháng chiến. Tác phẩm khắc họa thành công số phận khốn khổ và đề cao sức mạnh phản kháng của người dân vùng cao trước sự áp bức, bóc lột của tầng lớp thống trị.

Cũng như nhân vật Đào trong Mùa lạc, Mỵ đã được Tô Hoài liên tục đặt vào thử thách trong việc bước hay không bước qua những “lằn ranh giới” trong những lần phản kháng. Các lần thử thử thách được sắp đặt khéo léo hết sức tự nhiên, lần sau cao hơn lần trước.

Ở lần phản kháng đầu tiên, Mỵ định ăn lá ngón quyên sinh để thoát khỏi nỗi nhục vì bị bắt làm vợ A Sử, một kẻ tàn ác. Quyết định này một mặt để bảo vệ bản thân, mặt khác quyết liệt thể hiện thái độ không đồng tình.

Tuy nhiên, người ngăn Mỵ lại chính là cha Mỵ. Không ai hiểu con bằng đấng sinh thành. Người cha cùng khổ ấy đã nói trong nước mắt, van xin Mỵ dừng ngay hành động dại dột ấy. Ý định của Mỵ đã bị ngăn chặn, cô không vượt qua được áp lực từ người thân yêu duy nhất của mình. Mỵ không muốn vì sự ích kỉ của bản thân mà phải làm người cha đau lòng, tiếp tục một mình gánh lấy nỗi đau khổ. Đó là một quyết định đúng đắn.

Xem thêm:  Thuyết minh về quần thể di tích cố đô Huế - Văn hay lớp 12

Tinh thần phản kháng sau lần thất bại đầu tiên tiếp tục sống trong lòng Mỵ. Cô chính thức bước vào cuộc đời nô lệ đầy nước mắt. Cô âm thầm phản kháng bằng cách sống im lặng, sống mờ nhặt như một chiếc bống; sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

Tưởng chừng như công việc vất vả ngày đêm và sự hành hạ khốc liệt của nhà thống lý Pá Tra đã làm cho tâm hồn Mỵ chìm chết. Nhưng không, tâm hồn ấy vẫn âm thầm sống, không hẳn để mong một ngày được giải thoát, mà sống vì trách nhiệm với người cha, sống vì món nợ cần phải trả hết.

Lần thứ hai, tâm hồn ấy cựa mình trỗi dậy. Đêm mùa xuân, nghe tiếng khèn trên núi cao, sau khi uông mấy chén rượu, người ngà ngàn say, lòng Mỵ rạo rực muốn đi chơi. Mỵ muốn quên lãng hiện thực, muốn vượt qua cái ranh giới, muốn tìm lại chính mình ngày xưa.

Nhưng lần này Mỵ cũng tiếp tục thất bại. A Sử xuất hiện như một hung thần và kèm theo đó là trận đòn roi và lời đe dọa khủng khiếp trút xuống đầu Mỵ, chấm dứt ý định đi chơi của Mỵ. Và nếu A Sử không bị thương nặng, không cần người chăm sóc thì Mỵ có thể đã bị bở đói cho đến lúc trở thành con ma bị quên lãng trong nhà thống lý Pá Tra.

Đây là một chi tiết đắc địa, được nhà văn khéo léo đặt vào tác phẩm. Sự sống và cái chết của người phụ nữ miền cao hoàn toàn phụ thuộc vào chồng và càng có lí hơn nữa khi vợ sống như một nô lệ chứ không phải tư cách một người vợ.

Tô Hoài đã đặt Mỵ vào ranh giới mong manh giữa ước mơ và hiện thực. Ước mơ tươi đẹp gọi mời còn hiện thực quá tàn nhẫn, phũ phàn. Mỵ đã sai lầm khi thành thật nói ý định đi chơi với A Sử. Mỵ cũng không lường trước được A Sử sẽ hành động như vậy bởi được đi chơi xuân là quyền lợi mà ai cũng có, kể cả Mỵ. Thêm một lần nữa, Mỵ nhận ra sự tàn độc của cha con nhà thống lý Pá Tra, làm sống lại trong nàng sự căm ghét, thù hận bọn cường quyền không có tính người, giúp nàng có thêm sức mạnh sống tiếp trên cuộc đời.

Lần thứ ba, khi bất ngờ nhìn thấy ánh mắt của A Phủ, một chàng trai bị trói ngoài sân, Mỵ đã động lòng. Có lẽ Mỵ cũng không ngờ tới điều này, bởi nguồn sống trong nàng đã ngụi tắt từ lâu và cả sự sống và cái chết của người khác cũng không làm nàng bận lòng.

Thế nhưng đêm nay, cái lạnh căm căm cắt da cắt thịt, những vì sao le lói trên bầu trời mờ mịt làm long lanh nước mắt trên mặt A Phủ khiến nàng trở nên mạnh mẽ vô cùng. Mỵ nhớ lại cái đêm mình bị trói, lòng yêu thương con người trỗi dậy thôi thúc nàng cần phải làm gì đó cho người xấu số đang đứng ở ngoài kia. Mỵ nghĩ về cái chết. Có thể anh ta sẽ chết.

Và Mỵ quyết định cầm con dao cắt từng sợi dây trói để giải thoát cho A Phủ. Mỵ đã mường tượng rất rõ ràng rằng khi giải thoát cho A Phủ cũng đồng nghĩa nàng sẽ phải đứng vào chỗ đó. Thoáng chút run sợ nhưng nàng đã trấn tĩnh mình mạnh mẽ hành động. Và khi sợi dây cuối cùng bị cắt đứt, A Phủ vụt chạy vào trong bóng tối, Mỵ cũng đã quyết định tự giải thoát chính mình.

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Văn hay lớp 12

Từng bước, nhà văn đã cho nhân vật vượt lên cái ranh giới tưởng chừng như không thể vượt qua ấy. Cái lằn rang giữa sự vô cảm và tình yêu thương con người, giữa sự cam chịu vĩnh hằng và sức mạnh giải thoát. Sức mạnh cường quyền và thần quyền đáng sợ đã trói buộc và giết chết biết bao con người đã bị phá bỏ hoàn toàn.

Vợ chống A Phủ miêu tả chân thực số phận nô lệ cực khổ của người dân lao động nghèo Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến miền núi. Truyện phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi bằng sức mạnh cửa cường quyền và thần quyền; phê phán kịch liệt các thế lực bất nhân chà đạp lên số phận con người.

Thông qua số phận và vẻ đẹp của nhân vật, tác giả bày tỏ lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người lao động nghèo miền núi, khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc, cố gắng vượt thoát lên trên số phận tìm kiếm con đường con đường làm chủ vận mệnh của mình.

  • Kết bài:

Thành công lớn nhất của Tô Hoài là đã phát hiện nỗi khổ đau và ca ngợi vẻ đẹp của những con người vốn bị che khuất bởi núi rừng, bị bao vây bởi những tập tục cổ hủ, bị kìm kẹp bởi sức mạnh của cường quyền và thần quyền. Không những nhân vật được giải thoát mà còn tìm đến với lý tưởng cách mạng, hăng say lao đông và chiến đấu vì một cuộc sống công bằng, tự do.

Nguồn: Vietvanhoctro.com