Nói quá
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
– Nói quá còn được gọi là ngoa ngữ (lời nói ngoa, nói quá sự thật), phóng đại (phóng ra cho to), cường điệu (nói mạnh, nói hớn lên), thậm xưng (nói quá sự thật, thường nhằm mục đích hài hước).
Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng, nhằm để nhấn mạnh, làm đậm nét hơn ý muốn nói. Ví dụ:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
(Ca dao)
– Nói quá với tính chất là một biện pháp tu từ, nêu sự vật hiện tượng theo lối thổi phổng, phóng đại lên quá mức bình thường, trên thực tế không thể có được. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện xuyên tạc sự thật mà là một cách nói nhấn mạnh có tính chất nghệ thuật, làm cho thực tế được đề cập đến nổi bật ở những khía cạnh nhất định. Ta trở lại với câu ca dao quen thuộc mà SGK đã nhắc tới:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Mồ hôi gì mà lại như mưa? Mà nào có phải mưa nhẹ, mưa nhỏ! Giọt mồ hôi như mưa ấy đến mức rơi xuống ta có thể nghe được, nghe thấy nó thánh thót, tức là tạo ra một âm thanh cao, rõ. Một cách miêu tả cường điệu mồ hôi của người làm ruộng lên như thế đã gây được ấn tượng mạnh ở người tiếp nhận câu ca dao, nhấn mạnh được khía cạnh vất vả của việc cày đồng.
– Biện pháp tu từ nói quá cũng đã ít nhiều quen thuộc đối với chúng ta. Trong khẩu ngữ sinh hoạt, trong thành ngữ, tục ngữ, ta cũng đã làm quen với những cách nói kiểu như:
+ Cười vỡ bụng (được hiểu: “cười nhiều”).
+ Theo anh đến cùng trời, cuối đất (được hiểu: “gắn bó”).
+ Vắt cổ chày ra nước (được hiểu: “keo kiệt”),…
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Muốn tìm được biện pháp nói quá, em đọc kĩ từng ví dụ cho sẵn trong SGK, chú ý các từ ngữ thể hiện cách nói quá sự thật. Em gạch dưới các từ ngữ ấy. Sau đó giải thích ý nghĩa của biện pháp nói quá trong từng ví dụ. Cụ thể như sau:
– Trong (a): Có sức người sỏi đá củng thành cơm.
Ý nghĩa: Lao động đã mang lại cho con người cuộc sống no ấm.
– Trong (b):… em có thể đi lên đến tận trời được.
Ý nghĩa: không ngại khó khăn, gian khổ.
– Trong (c):… cụ bá thét ra lửa…
Ý nghĩa: có thế lực, có quyền uy.
2. Ở từng chỗ trống trong câu, em lần lượt thử điền từng thành ngữ cho sẵn. Nếu tạo ra câu văn có nội dung hợp lí thì điền được. Cụ thể như sau:
– Câu (a): điền thành ngữ chó ăn đá gà ăn sỏi.
– Câu (b): bầm gan tím ruột.
– Câu (c): ruột để ngoài da.
– Câu (d): nở từng khúc ruột.
– Câu (e): vắt chân lên cổ.
3. Trước khi đặt câu, em tìm hiểu về từng thành ngữ (ý nghĩa, trường hợp sử dụng,…). Trên cơ sở đó, em suy nghĩ về nội dung của câu sẽ đặt. Em tham khảo một số câu sau:
a) Nàng Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
b)Trước sức mạnh vô địch và khí thế dời non lấp biển của nhân dân ta, dù bọn đế quốc Mỹ và tay sai… có dùng trâm phương nghìn kế, nhất định không tránh khỏi thất bại thảm hại.
(Báo Nhân dân, ngày 29 – 4 – 1966)
c) Trong kỉ nguyên rực rỡ mở ra trước mắt chúng ta hôm nay, đoàn kết dân tộc cũng nhất định sẽ là sức mạnh lấp biển vá trời để kiến tạo một cuộc sống tự do hạnh phúc.
(Báo Sài Gòn giói phóng, ngày 31 – 8 – 1975)
d)Chúng tôi là người chứ dâu phải mình đồng da sắt. Chúng tôi thử hành hạ các ông thế này một buổi xem các ông có chịu nổi không.
(Nguyễn Đức Thuận, Bất khuất)
e)Tôi đã nghĩ nát óc suốt đêm qua mà chưa tìm được cách giải quyết.
4. Dựa vào ví dụ mẫu trong SGK (ngáy như sấm), em tìm thêm năm thành ngữ khác. Ví dụ: Mắng như tát nước vào mặt; Đau như cắt ruột; Kêu như trời đánh; Khóc như mưa như gió ; Nắng như đổ lửa;…
5*. Em có thể viết một đoạn văn hoặc làm một bài thơ nói về sức mạnh của tuổi trẻ, về ý chí và nghị lực của con người,… như Bác Hồ đã từng nói với thanh niên:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
(Khuyên thanh niên)
Với nội dung như vậy, em có điều kiên sử dụng biện pháp tu từ nói quá, nhằm nhấn mạnh, khẳng định những điều kiện được đề cập trong đoạn văn, bài thơ.
6*. Để phân biệt biện pháp tu từ nói quá với nói khoác, em suy nghĩ trả lời mấy câu hỏi gợi ý sau:
– Nói quá và nói khoác giống nhau ớ chỗ nào?
– Mục đích của nói quá và nói khoác khác nhau thế nào?
(Gợi ý: Mục đích của nói quá là nhấn mạnh, khẳng định, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm; còn mục đích của nói khoác là nhằm làm cho-người nghe tin vào những điều không có thực, hoặc để phô trương, khoe khoang,…)
Kết quả của việc sử dụng biện pháp tu từ nói quá và của việc nói khoác khác nhau thế nào?
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Soạn bài: Tổng kết phần Văn
Soạn bài: Tổng kết phần Văn Hướng dẫn 1. Lập bảng thống kê các văn [...]
Th3
Soạn bài: Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt
Soạn bài: Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt Hướng dẫn I. LÍ THUYẾT [...]
Th3
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn)
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN [...]
Th3
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt)
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) Hướng dẫn 1. Tìm các từ [...]
Th3
Hoạt động ngữ văn: Làm thơ bảy chữ
Hoạt động ngữ văn: Làm thơ bảy chữ Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN [...]
Th1
Hai chữ nước nhà (trích)
Hai chữ nước nhà (trích) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG [...]
Th1