Nội dung và hình thức của văn bản văn học

Nội dung và hình thức của văn bản văn học

Hướng dẫn

I. Các khái niệm của nội dung và hình thức trong văn bản văn học

1. Các khái niệm của nội dung

– Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Ví dụ: Đề tài của Tắt đèn là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, trong những ngày sưu thuế.

– Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản.

Ví dụ: Chủ đề của Tắt đèn là sự mầu thuẫn giữa nông dân và bọn cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam.

– Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc.

Ví dụ: trong Tắt đèn, tư tưởng lên án những thế lực hắc ám hoành hành ở nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc, và sự trân trọng yêu thương người nông dân bị áp bức hiện lên thật rõ.

– Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản.

Ví dụ: Cảm hứng trong Tắt đèn là lòng căm phẫn, là sự tố cáo bọn hào lí, quan lại ở nông thôn, cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp.

Xem thêm:  Tóm tắt văn bản thuyết minh

2. Các khái niệm của hình thức

– Ngôn từ: là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học.

– Kết cấu: là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa.

– Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp và nội dung văn bản: hoặc có chất thơ, chất tiểu thuyết, chất kiện.

II. Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức trong văn bản văn học

Văn bản cần có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức – thống nhất giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1

Cả hai văn bản văn học Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan cùng có đề tài là viết về cuộc sống đen tối cơ cực, cùng khổ của nông dân vì bị bóc lột, áp bức ở nông thôn nước ta trước Cách mạng tháng Tám và sự phản kháng một cách tự phát của họ. Đó là điểm giống nhau. Còn điểm khác nhau giữa hai văn bản văn học này là:

– Tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố miêu tả cuộc sống nông thôn trong những ngày thúc sưu giục thuế, nông dân bị áp bức bóc lột cùng cực đủ đường buộc phải tự phát vùng lên phản kháng.

Xem thêm:  Đọc thêm: Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (trích hồi 21 - Tam quốc diễn nghĩa)

– Còn tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan miêu tả cuộc sống lầm than cùng khổ của nông dân bị áp bức bóc lột. Cách cho vay nặng lãi của địa chủ nhằm cướp lúa, cướp đất của nông dân, tá điền khiến họ phải đứng lên chống lại.

Bài tập 2

Phân tích tư tưởng trong bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm

Nổi bật lên trong hai khổ thơ đầu là lòng đợi chờ, mong mỏi và công phu khó nhọc của người mẹ trải qua biết bao năm tháng chăm sóc cây trái trong vườn:

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

…Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Hình ảnh liên tiếp “giọt mồ hôi mặn” được nhà thơ phát hiện ra từ hình ảnh của “bí bầu lớn xuống” tượng trưng cho công sức của người vun trồng chăm bón. Từ chuyện trồng cây, tiếp đó bài thơ đã chuyển sang chuyện trồng người, nuôi dạy con:

Và chúng tôi một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái

Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Tác giả “thấy” mình như một thứ quả mà người mẹ đã khổ công gieo trồng, chăm bón. Vì vậy, mình phải hết sức cố gắng học tập trau dồi để xứng đáng với công lao trời biển ấy, xứng đáng với lòng kì vọng của mẹ hiền. Ở đây có hai cụm từ đáng chú ý là: “bàn tay mẹ mỏi”“quả non xanh”. “Bàn tay mẹ mỏi” là uyển ngữ, nhã ngữ thì đúng hơn, ý chỉ sự mong mỏi đợi chờ, không chịu đựng được nữa. “Quả non xanh” là chưa đến độ, lúc chưa trưởng thành, nhưng hàm ý là quả hỏng, người có nhiều tật xấu thói hư… Sự lo lắng sâu sắc của thi sĩ đã xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người con đối với bậc sinh thành dày công nuôi dạy mình. Chữ “mẹ” cũng được hiểu rộng là đất nước, là Tổ quốc, là mẹ Việt Nam. Đó cũng chính là tư tưởng của bài thơ.

Xem thêm:  Đại cáo bình Ngô (tiếp theo)

Mai Thu