Đề bài: em hãy phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành
Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Ông đặc biệt thành công về đề tài Tây Nguyên. Do gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến nên ông gần gũi và hiểu biết sâu sắc cuộc sống và tinh thần quật cường, yêu tự do, trung thành với cách mạng của nhân dân các dân tộc thiểu số trên mảng đất này của Tổ quốc. Ông đã sáng tạo nên hai tác phẩm nổi tiếng là “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”.
Trong bản hợp xướng trầm hùng về tinh thần quật khởi và cuộc nổi dậy đấu tranh bất khuất của dân làng Xô Man nói riêng, Tây Nguyên nói chung, nổi lên nốt nhạc âm vang nhất. Đó là Tnú, một nhân vật được tác giả xây dựng khá sinh động, đã kết tinh được những phẩm chất cao đẹp của người dân Xô Man, là niềm tự hào của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Câu nói của già làng Mết “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” là câu nói được đúc rút từ cuộc đời bi tráng của Tnú và từ thực tế đấu tranh của đồng bào Xô Man nói riêng và dân tộc Tây Nguyên nói chung. Giặc đã dùng bạo lực phản cách mạng để đàn áp nhân dân ta thì ta phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng. Con đường cầm vũ khí để đáp trả kẻ thù là tất yếu. Qua câu chuyện cuộc đời Tnú nhà văn Nguyễn Trung Thành đã làm sáng tỏ chân lý cách mạng ấy.
Tnú là con người gan góc, dũng cảm, mưu trí: Lúc còn bé, Tnú có hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương nhưng lại rất cứng cỏi, gan dạ. Cha mẹ của Tnú mất sớm nên Tnú được dân làng cưu mang, nuôi dưỡng. Tnú chính là người con của dân làng Xôman – đứa con của nhân dân.
Khi đi liên lạc, giặc vây các ngả đường thì TNú đã “xé rừng mà đi”.Qua sông, TNú “không thích lội chỗ nước êm” mà “cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”, “vì chỗ nước êm thằng Mĩ hay phục”
Học chữ thua Mai thì lấy đá đập vào đầu.Điều ấy thể hiện ý thức của lòng tự trọng và ý chí quyết tâm cao. Sau khi được anh Quyết khuyên răn, Tnú dẹp bỏ tính tự ái, quyết tâm học cái chữ. Đây chính là một phẩm chất đáng quý để sau này Tnú trở thành một chiến sĩ cách mạng thực thụ.
Tuy học cái chữ không mấy sáng dạ nhưng làm liên lạc chuyển thư cho anh Quyết, Tnú có cái đầu sáng lạ lùng. Vốn là con người nhanh trí, táo bạo thích mạo hiểm. Tnú “không bao giờ đi đường mòn”, bị giặc vây các nẻo đường, “Tnú leo lên cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi vượt qua tất cả vòng vây”. Tnú không vượt qua suối những nơi nước cạn dễ đi mà thường băng qua những con thác hiểm như cưỡi lên lưng con cá kình.
Khi bị giặc bắt, Tnú gan dạ, vững vàng trước kẻ thù. Có lần chuẩn bị vượt qua con thác ở sông Đaknang, thì họng súng đen ngòm của bọn giặc đã chĩa vào tai lạnh ngắt. Tnú kịp nuốt lá thư của anh Quyết vào bụng để bảo đảm bí mật cách mạng. Tnú bị giặc bắt, biết bao đòn roi, thương tích đã đổ lên Tnú. Máu của Tnú đã chảy, đã đông lại và quyện thành “từng cục máu lớn” như vết thương trên cây Xà Nu kết tụ bao nỗi đau thương và ý chí phản kháng. Bọn chúng dẫn Tnú về làng. Địch tra tấn hỏi “Cộng sản ở đâu?” Tnú đã không ngần ngại đặt tay lên bụng và nói: “Ở đây này!”. Câu nói này của Tnú là câu nói thể hiện lòng dũng cảm, gan dạ, dám làm dám chịu, bất khuất hiên ngang trước kẻ thù “Uy vũ không thể khuất phục”. Đó còn là lời thề dữ dội thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Cách mạng của không chỉ riêng Tnú mà còn là của làng Xô Man kiêu hùng bất khuất. Có thể nói, sự gan góc,táo bạo,dũng cảm của TNú là cơ sở để làm nên hành động anh hùng và phẩm chất anh hùng của TNú.
Tnú có một trái tim yêu thương và sục sôi căm thù giặc: sống rất nghĩa tình và luôn mang trong tim ba mối thù: của bản thân, của gia đình, của buôn làng.
Tnú và bi kịch gia đình, bi kịch cá nhân. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trở về trực tiếp lãnh đạo dân làng Xô man đánh giặc theo lời anh Quyết dặn trong thư trước khi anh Quyết hi sinh. Trong mắt của bọn thằng Dục, Tnú là “con cọp” của núi rừng Tây Nguyên chỉ “nay mai là làm loạn núi rừng này rồi”. Trong lòng nhân dân Xô Man, Tnú là linh hồn của cuộc kháng chiến.
Mồ côi, được dân làng nuôi nấng, sau này trở thành người con ưu tú của dân làng. Bản thân 2 lần bị giặc bắt, bị tra tấn dã man ( tấm lưng chằng chịt những vết chém, hai bàn tay bị đốt mỗi ngón chỉ còn lại hai đốt; vợ con bị giặc giết hại…) Tnú không khuất phục, kiên cường, bền gan gia nhập bộ đội để cầm súng bảo vệ dân làng, quê hương, đất nước.
Không những vậy,TNú còn là một người giàu tình yêu thương người thân và quê hương bản làng: Đó là, tình yêu thương vợ conrất mực tha thiết của TNú. ình yêu thương và sự căm thù đã kết thành ngọn lửa rực cháy trong hai con mắt của anh: dữ dội, bi thương.
Đó còn là, tình cảm gắn bó với bản làng,với quê hương đất nướccủa anh: Trên đường trở về thăm làng, Tnú nhớ từng gốc cây, nhớ tiếng chày giã gạo….cũng chính vì tình yêu quê hương mà Tnú đã tham gia là cách mạng, chịu nhiều đau thương….vì sự yên bình của quê hương, đất nước. Chính tình yêu thương người thân, yêu thương quê hương đất nước thiết tha và lòng căm thù sâu sắc, đã trở thành động lực, biến thành hành động cụ thể: dù hai bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt, anh vẫn gia nhập lực lượng quân giải phóng để cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương.
TNú còn là người có ý thức và tinh thần kỷ luật cao: Xa bản làng ba năm, tuy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhưng phải được cấp trên cho phép anh mới về và chỉ về đúng một đêm như qui định trong giấy phép.
Đoạn văn diễn tả tinh thần bất khuất của người anh hùng Tây Nguyên thật mãnh liệt. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa Xà nu”. Mười ngón tay của Tnú nhanh chóng thành mười ngọn đuốc sống. Kì lạ thay, người Cộng Sản ấy không hề kêu van, dù “Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”. Đúng rồi, Tnú không thèm kêu van vì “người cộng sản không thèm kêu van”. Nhưng Tnú đã thét lên một tiếng “Giết”.
Đó từng là bàn tay trung thực và tình nghĩa, từng cẩm phấn viết chữ anh Quyết dạy cho, từng cầm đá đập vào đầu khi quên chữ, từng đặt lên bụng mình mà nói “Cộng sản ở đây này”, từng được Mai cầm bàn tay ấy mà khóc khi Tnú thoát ngục trở về ….Khi giặc đốt 10 đầu ngón tay, bàn tay thành chứng tích của tôi ác và lòng hận thù. Hận thù đã khiến bàn tay Tnú thành bàn tay quả báo (mười ngọn đuốc từ ngón tay Tnú đã châm bùng lên ngọn lửa nổi dậy của dân làng Xô Man; bàn tay chỉ còn hai đốt mỗi ngón vẫn cầm giáo, cầm súng lên đường trả hận….
Tnú vượt qua bi kịch cá nhân, trở thành người chiến sĩ, người cán bộ có tinh thần kỷ luật cao. Từ đây cả dân làng Xôman vùng dậy cầm lấy giáo mác… làm vũ khí chống lại súng đạn tối tân tàn bạo của Mỹ – Ngụy.
Tnú đã vượt qua mọi đau thương và bi kịch cá nhân, tham gia lực lượng giải phóng quân để quét sạch tất cả những thằng Dục, kẻ thù không đội trời chung với vợ con anh còn tồn tại trên đất nước Việt Nam này. Khi đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân, Tnú là một cán bộ có tinh thần kỷ luật cao: tuy nhớ quê hương gia đình, nhưng phải cấp trên cho phép mới về “cấp trên cho về một đêm. Tnú chỉ về một đêm”.
Anh cũng là con người rất tình cảm: trên đường về lại làng, mỗi gốc cây, mỗi con đường với anh là kỷ niệm nhất là nhớ gốc cây xà nu lớn nơi Mai đã nắm bàn tay anh mà khóc, kỷ niệm ấy như dao cắt vào lòng. Về gần tới làng nghe “tiếng chày giã gạo” ruột gan anh bỗng cồn cào nhung nhớ. Anh để cho “vòi nước của làng mình dội lên người như ngày trước” để cảm nghe được sự mát lành của vị ngọt quê hương…
Nghệ thuật xây dựng nhân vật: ngôn ngữ sử thi hào hùng kết hợp với chất lãng mạn say mê. Cách dựng truyện, tạo bối cảnh phù hợp. Lời văn giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, khi thâm trầm, khi tha thiết, trang nghiêm. Nhân vật được tạo dựng bằng bút pháp sử thi. Tnú là nhân vật anh hùng, nhân vật đó còn sống, lại hiện diện trong từng lời kể của cụ Mết, đang hiện diện trước mắt dân làng. Vì thế tính chân thực càng cao, càng hào sảng.
Chân lý cách mạng là chân lý từ máu và nước mắt, nó đồng nghĩa với chân lý cuộc sống. Tnú là bằng chứng sống cho quy luật nghiệt ngã ấy. Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú – cuộc đời của một con người mang ý nghĩa cuộc đời của một dân tộc. Có thể nói nhân vật Tnú mang đậm tính sử thi – nhân vật ấy gánh nặng số phận lịch sử. Dù có nhiều dị biệt, Tnú vẫn là kiểu nhân vật sánh vai với các anh hùng trong trường ca Đam San, Xinh Nhã của núi rừng Tây Nguyên.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Phân tích bài tây Tiến của Quang Dũng
Đềbài:Anh chị hãy phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Quang Dũng là [...]
Th11
Nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều
Đềbài: Anh chị hãy nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoạn Thư trong [...]
Th11
Hình tượng cây Xà Nu trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành
Đề bài: phân tích hình tượng cây Xà Nu trong “Rừng xà nu” của Nguyễn [...]
Th11
Màu sắc Nam Bộ trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Đình Thi
Đề bài: em hãy nêu màu sắc Nam Bộ trong “Những đứa con trong gia [...]
Th11
Nhân vật Chiến Và Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Đình Thi
Đề bài: phân tích nhân vật Chiến Và Việt trong “Những đứa con trong gia [...]
Th11
Phân tích nhân vật Việt và chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật trong “những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Đình Thi”
Đề bài: em hãy phân tích nhân vật Việt và chỉ ra những đặc sắc [...]
Th11