Chiến thắng Mtao Mxây (Trích Đăm Săn – sử thi Tây Nguyên)
Hướng dẫn
1. Tóm tắt diễn biến trận đánh
Với lối mô tả song hành hai tù trưởng Đăm Săn và Mtao Mxây trong suốt diễn biến trận đánh, tác phẩm làm nổi bật sự hơn hẳn của Đăm Săn so với Mtao Mxây về cả tài năng, sức lực, về cả phong độ, phẩm chất. Cuộc chiến giữa hai tù trưởng này được mô tả qua các chặng:
a) Đăm Săn khiêu chiến và thái độ ngạo nghễ của Mtao Mxây. Trước thái độ quyết liệt của Đăm Săn ngay từ chặng đầu này, Mtao Mxây đã run sợ (sợ bị đối phương đâm lén, tuy mặt mũi dữ tợn, trang bị đầy mình nhưng Mtao Mxây đã tỏ ra tần ngần, đắn đo, do dự…).
b) Vào trận đánh
– Hiệp một: Tuy kém cỏi nhưng Mtao Mxây vẫn tỏ ra huênh hoang. Hắn múa khiên trước trong khi đó Đăm Săn vẫn thản nhiên, bình tĩnh. Thái độ này bộc lộ bản lĩnh của chàng trai.
– Hiệp hai: Trong hiệp này, Đăm Săn múa trước và Mtao Mxây ngay lập tức đã hốt hoảng bỏ chạy, chạy bước cao bước thấp vì yếu sức. Hắn vung dao chém Đăm Săn nhưng trật và vội cầu cứu Hơ Nhị. Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quay cho miếng trầu. Nhưng Đăm Săn đã đớp được miếng trầu. Chàng mạnh hẳn lên.
– Hiệp ba: Đăm Săn lại múa và đuổi theo Mtao Mxây. Chàng múa rất đẹp và mạnh mẽ. Đăm Săn sau đó đâm trúng kẻ thù nhưng không thủng. Chàng đã phải cầu cứu đến thần linh.
– Hiệp bốn: Được thần linh giúp sức, Đăm Săn đã đuổi theo kẻ thù và giết chết hắn.
2. Đọc lại cuộc đối thoại giữa Đăm Săn với dân làng (nô lệ) của Mtao Mxây khi chàng đến từng nhà kêu gọi những người này đi theo mình. Có ba lần đối đáp (Đăm Săn gọi hỏi và mọi người hưởng ứng, trả lời). Con số ba này là biểu tượng cho số nhiều, rất nhiều không sao đếm cho hết được (con số từng xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm tự sự dân gian).
Ý nghĩa biểu tượng vừa nói cho thấy tất cả dân làng (nô lệ) của Mtao Mxây (nô lệ cho kẻ thù của Đăm Săn) hết lòng mến phục chàng, đã đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi cúa chàng và coi chàng là tù trưởng, là thủ lĩnh, là anh hùng của họ.
Điều đáng chú ý ở ba lần đối đáp là mỗi lần đều có sự khác nhau. Lần đầu, Đăm Săn chỉ gõ vào một nhà. Lần thứ hai, chàng gõ vào tất cả các nhà và lần cuốì gõ vào mỗi nhà trong làng.
Sự lặp lại ở đây không chỉ là có sự biến đổi mà còn có sự phát triển. Cuộc đốì thoại gồm ba lần ấy có ý nghĩa khẳng định lòng trung thành của dân làng, mọi nô lệ với Đăm Săn. Lòng trung thành đó mỗi lúc một được khẳng định hơn. Bởi vậy, sau cuộc đối thoại ấy, là đoạn mô tả Đăm Săn kêu gọi mọi người cùng về và diễn ra cảnh mọi người cùng ra về đông vui như trẩy hội.
Điều này thể hiện các ý nghĩa sau đây:
– Thể hiện sự thống nhất hài hòa giữa quyền lợi và khát vọng của anh hùng sử thi với quyền lợi và khát vọng của cộng đồng. Ở đây, người thắng kẻ bại đều chung một tộc người. Nếu trước trận đánh họ sống hai nhóm rời rạc thì sau trận đánh, họ sống kết hợp nhau lại thành một nhóm lớn mạnh hơn, đông đúc hơn;
– Cho thấy lòng mến phục thái độ hưởng ứng tuyệt đốì của tập thể cộng đồng đối với cá nhân anh hùng. Điều này thể hiện ý chí thống nhất của cộng đồng người Ê-đê, cũng là một biểu hiện của ý thức dân tộc.
– Thái độ của dân làng Đăm Săn đối với chiến thắng của chàng.
– Thái độ của các tù trưởng xung quanh kéo đến cùng ăn mừng chiến thắng.
Như thế, Đăm Săn – người anh hùng sử thi được toàn thể cộng đồng người Ê-đê suy tôn tuyệt đốì. Trong giai đoạn lịch sử đầy biến động ấy, số phận của cá nhân anh hùng thống nhất cao độ với số phận của cả một thị tộc.
3. Đoạn trích sử thi trên đã chú ý nhiều hơn đến tả cảnh ăn mừng chiến thắng. Độ dài ngắn của hai đoạn dành cho việc kể và tả lại sự kiện ấy cho thấy rõ điều vừa nói. Hơn thế nữa, ở đoạn đầu tuy kể và tả cảnh giao chiến không hề có cảnh đổ máu bi thương ghê rợn hay cảnh buôn làng tang tóc sau trận đánh. Đoạn tả cảnh chiến thắng, nghệ nhân sử thi dùng những trường đoạn dài, những kiểu câu cảm thán, những hô ngữ, những kiểu câu so sánh trùng điệp liệt kê những biểu hiện của sự vui sướng, mừng rỡ, vẻ tưng bừng náo nhiệt của sự giàu có.
Đúng là tuy kể và tả về chiến tranh nhưng đoạn trích trên vẫn hướng về cuộc sống thịnh vượng, đủ đầy giàu có, đoàn kết thống nhất và lớn mạnh của cộng đồng một tộc người. Điều này cho thấy khát vọng lớn lao mà tộc người và thời đại khi đó gửi gắm vào những cuộc chiến tranh được xem là “bà đỡ cho lịch sử” đồng thời cũng cho thấy, tầm vóc vĩ đại phi thường của người anh hùng sử thi đối với lịch sử cộng đồng tộc người.
– Ở đây, Đăm Săn là trung tâm miêu tả của bức tranh hoành tráng kể và tả lại cảnh ăn mừng chiến tháng. Bóng dáng và chiến công của người anh hùng này tưởng như đã bao trùm lên cả toàn bộ buổi lễ, toàn bộ đất trời con người của xã hội Ể-đê.
4. Khi miêu tả nhân vật, khung cảnh diễn ra sự việc, nghệ nhân sử thi trong đoạn trích trên đã sử dụng rất nhiều phép so sánh. Hoặc so sánh tương đồng có dùng từ so sánh: như gió lốc gào, như những vệt sao băng… Hoặc các đoạn tả: tài múa khiên của Đãm Săn, cảnh đoàn người như trẩy hội kéo về buôn của chàng, đoạn cuối đoạn trích tả thân hình của dũng tướng Đăm Săn, các trường hợp qụan hệ so sánh được tăng cấp bằng hàng loạt ngữ so sánh liên tiếp. Cũng có trường hợp so sánh tương phản, đó là đoạn tả cảnh múa khiên của Đăm Săn và Mtao Mxây. Cần chú ý là sử thi luôn miêu tả tài nghệ của đối phương trước, tài nghệ của anh hùng sau. Đó cũng là một cách đề cao nhân vật anh hùng theo phép so sánh, miêu tả đòn bẩy.
Điều cần lưu ý nữa là sử thi dùng các hình ảnh sự vật trong thế giới thiên nhiên, từ vũ trụ để làm chuẩn trong so sánh. Nghĩa là dùng vũ trụ để đo tầm cỡ, nhân vật anh hùng. Đây cũng là một phương cách phóng đại nhằm đề cao ca ngợi anh hùng và cũng là phong cách nghệ thuật đặc trưng của sử thi.
LUYỆN TẬP
Gợi ý làm bài
– Ông Trời (thần linh) cũng tham gia vào cuộc chiến đấu của con người, với vai trò giúp đỡ, gợi ý. Kết quả của cuộc chiến đấu, bởi vậy, không do thần linh quyết định, mà hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của nhân vật anh hùng.
Như thế, ở sử thi nào cũng có đặc điểm thần linh tham gia cùng con người trong trận chiến đấu. Có điều ở sử thi Tây Nguyên, quan hệ giữa thần linh và con người gần gũi thân tình, mật thiết hơn. Đây chính là dấu vết của tư duy thần thoại cổ sơ, dấu vết của một xã hội chưa có sự rạch ròi phân hóa giai cấp.
Còn việc thần linh chỉ đóng vai trò cố vấn cho con người là một kiểu biểu hiện của ý thức dân chủ công xã thời thị tộc cổ xưa.
Tất cả những điều vừa đề cập đã góp phần đề cao vai trò của nhân vật anh hùng sử thi.
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Lập dàn ý bài văn thuyết minh
Lập dàn ý bài văn thuyết minh Hướng dẫn Nhìn chung, bài. văn thuyết minh [...]
Th1
Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh
Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh Hướng dẫn I. KẾT CẤU [...]
Th1
Đọc thêm: Khe chim kêu (Điểu minh giản)
Đọc thêm: Khe chim kêu (Điểu minh giản) Hướng dẫn Gợi ý đọc thêm Cây [...]
Th1
Đọc thêm: Nỗi oán của người phòng khuê (Khuê oán)
Đọc thêm: Nỗi oán của người phòng khuê (Khuê oán) Hướng dẫn Gợi ý đọc [...]
Th1
Đọc thêm: Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu)
Đọc thêm: Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu) Hướng dẫn Lầu Hoàng Hạc xây dựng [...]
Th1
Đọc thêm: Thơ Hai-cư của Ba-sô
Đọc thêm: Thơ Hai-cư của Ba-sô Hướng dẫn 1. Bài 1. Ba-sô sinh ra ở [...]
Th1