Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Ở bài này, có 2 nội dung các em cần nắm vững:
– Thế nào là từ có nghĩa rộng, từ có nghĩa hẹp?
– Tính chất rộng/hẹp của nghĩa từ chỉ là tương đối. Một từ có nghĩa rộng khi so với một số từ khác, nhưng lại có nghĩa hẹp khi so với một từ khác.
1. Thế nào là từ có nghĩa rộng, từ có nghĩa hẹp?
a) Trước hết cần nói rõ điểu này: tính chất rộng / hẹp, khái quát / cụ thể ở đây là nói về nghĩa của từ, về đơn vị từ (không nói về ngữ, cụm từ ). Do đó, ta tạm quy ước về mặt diễn đạt ở mục này là chỉ nói: Ví dụ: từ có nghĩa rộng, không nói: từ ngữ có nghĩa rộng (SGK dùng từ ngữ). Sau khi nắm chắc được nội dung bài học, các em sẽ dễ dàng hiểu được cách diễn đạt trong SGK.
b) Thế nào là từ có nghĩa rộng?
Từ có nghĩa rộng là từ mà nghĩa của nó bao hàm nghĩa của một số từ khác. Ví dụ:
– Nghĩa của từ cây bao hàm nghĩa của các từ: lúa, ngô, sắn ; xoan, bàng, phượng vĩ, xà cừ ; tre, nứa,…
– Nghĩa của từ hoạt động bao hàm nghĩa của các từ: đi, chạy, nhảy, bò, toài, bay, bơi,…
– Nghĩa của từ rộng bao hàm nghĩa của các từ: mênh mông, bao la, bát ngát, thênh thang, rộng rãi, rộng lớn,…
Từ các ví dụ trên, ta có thể kết luận: các từ cây, hoạt động, rộng là những từ có nghĩa rộng.
c) Thế nào là từ có nghĩa hẹp?
Từ có nghĩa hẹp là từ mà nghĩa của nó phản ánh một phạm vi hiện thực rất hẹp, rất cụ thể, riêng biệt. Bên cạnh đó, nghĩa của nó được bao hàm trong nghĩa của một từ khác. Ví dụ:
– Từ lênh khênh dùng chỉ những sự vật cao quá mức, gây cảm giác khó đứng vững (như: người cao lênh khênh, cái thang cao lênh khênh,…).
– Từ băm chỉ hoạt động chặt liên tiếp và nhanh tay cho nát nhỏ ra (băm thịt, băm rau lợn,…).
Qua việc miêu tả nghĩa của hai từ trên, ta có thể kết luận: hai từ lênh khênh, băm là những từ có nghĩa hẹp (nghĩa của từ lênh khênh được bao hàm trong nghĩa của từ cao ; nghĩa của từ băm được bao hàm trong nghĩa của từ hoạt động).
2. Tính chất rộng – hẹp của nghĩa từ chỉ là tương đối. Cụ thể, một từ có nghĩa rộng khi so với một số từ khác, nhưng lại có nghĩa hẹp khi so với một từ khác. Ví dụ:
– Từ cá có nghĩa rộng khi so với các từ: cá rô, cá trê, cá mè ; cá thu, cá nhụ, cá dé… ; nhưng từ cá được hiểu là có nghĩa hẹp khi so với từ động vật.
– Từ máy bay có nghĩa rộng khi so với: máy bay trực thăng, máy bay phản lực, máy bay cường kích, máy bay tiêm kích, máy bay không người lái… ; nhưng từ máy bay được hiểu là có nghĩa hẹp khi so với từ máy.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Dựa vào sơ đồ trong SGK trang 10; các em lập sơ đồ cho từng nhóm từ ngữ đã cho trong bài tập. Cụ thể như sau:
a)
b)
2. – Muốn tìm được từ ngữ có nghĩa rộng, khái quát được nghĩa của các từ ngữ trong từng nhóm cho sẵn, em đọc kĩ các từ ngữ trong mỗi nhóm, rồi xem điểm chung nhất, đồng nhất về nghĩa giữa các từ ngữ trong nhóm là gì. Từ đó, em tìm từ ngữ có nghĩa rộng cần tìm. Ví dụ, điểm chung nhất về nghĩa của các từ ngữ thuộc nhóm (a) là cùng chỉ chất đốt. Do đó, từ ngữ cần tìm ở đây là chất đốt.
– Cũng tương tự, từ ngữ cần tìm ở nhóm (b): nghệ thuật; ở nhóm (c): thức ăn ; ở nhóm (d): nhìn ; ớ nhóm (e): đánh.
3. Dựa vào từ có nghĩa rộng, nghĩa khái quát cho sẵn trong bài tập, em tìm các từ có nghĩa hẹp, nghĩa cụ thể hơn. Nghĩa của các từ cần tìm được bao hàm trong nghĩa của từ cho sẵn. Cụ thể như sau:
a) xe cộ: xe đạp, xe máy, xích lô, ô tô,…
b) kim loại: sắt, đồng, nhôm, kẽm,…
c) hoa quả: chuối, mít, xoài, sầu riêng,…
d) (người)họ hàng: chú, bác, cô, dì,…
e) mang: xách, khiêng, gánh, vác,…
– Muốn tìm được từ ngữ “lạc hệ thống”, không có điểm chung về nghĩa so với các từ ngữ trong nhóm, em đọc kĩ từng nhóm. Em sẽ dễ dàng tìm được từ ngữ “lạc hệ thống” ấy. Cụ thể, trong nhóm (a), từ thuốc lào không phải là thuốc chữa bệnh. Vậy thuốc lào là từ không thuộc phạm vi nghĩa của các từ trong nhóm này.
– Cũng tương tự, ở các nhóm từ ngữ còn lại, ta thấy:
+ Nhóm (b): thủ quỹ không thuộc nhóm từ chỉ giáo viên.
+ Nhóm (c): bút điện không phải là loại bút viết.
+ Nhóm (d): hoa tai không phải là loại hoa thường cố màu sắc, hương thơm.
Như vậy, các từ thủ quỹ, bút điện, hoa tai là nhũng từ không thuộc phạm vi nghĩa của từng nhóm.
5*. – Muốn tim được 3 động từ theo yêu cầu của bài tập, trước hết, em đọc kĩ đoạn văn, chú ý những động từ cùng biểu thị một loại hoạt động, cùng có nét chung về nghĩa. Sau đó, em tìm trong các động từ ấy, từ nào có nghĩa rộng, hai từ nào có nghĩa hẹp hơn.
– Cụ thể, động từ có nghĩa rộng: khóc (tôi òa lên khóc…).
– Hai động từ có nghĩa hẹp hơn (cũng chỉ hoạt động khóc): Em tự tìm.
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Soạn bài: Tổng kết phần Văn
Soạn bài: Tổng kết phần Văn Hướng dẫn 1. Lập bảng thống kê các văn [...]
Th3
Soạn bài: Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt
Soạn bài: Ôn tập và kiểm tra phần Tiếng Việt Hướng dẫn I. LÍ THUYẾT [...]
Th3
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn)
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Văn) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN [...]
Th3
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt)
Soạn bài: Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) Hướng dẫn 1. Tìm các từ [...]
Th3
Hoạt động ngữ văn: Làm thơ bảy chữ
Hoạt động ngữ văn: Làm thơ bảy chữ Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN [...]
Th1
Hai chữ nước nhà (trích)
Hai chữ nước nhà (trích) Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG [...]
Th1