Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều)

Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều)

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Đoạn trích nằm ở phần đầu của truyện (từ câu số 39 đến câu số 56).

Nội dung tả cuộc đi chơi xuân của chị em Thúy Kiều. Chính tại cuộc đi chơi này, Thúy Kiều đã thắp hương cho Đạm Tiên và gặp gỡ Kim Trọng.

Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Những chi tiết gợi lên khung cảnh mùa xuân: ánh sáng đẹp, có chim én, có hoa nở, có cỏ xanh. Thời gian đã qua hai phần ba mùa xuân. Chim én xuất hiện khi mùa xuân về, và thấm thoắt như thoi đưa, đã hơn sáu mươi ngày. Đã bước sang độ cuối xuân, cỏ xanh tận chân trời. Màu cỏ tràn một không gian rộng lớn. Và trên cái nền xanh ấy, một vài bông hoa lê nở trắng, như điểm tô thêm cho bức tranh đơn sơ mà lộng lẫy.

Nguyễn Du tả cảnh với một vài nét đặc tả, chọn lọc. Từ ngữ bình dị. Đặc biệt nhất là sự sắp xếp trật tự từ để làm nổi bật màu trắng của hoa lê ở câu thơ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

2. Những câu thơ tiếp theo gợi tả lễ hội thanh minh. Có lễ tảo mộ. Có hội đạp thanh. Đây là một dịp tốt cho những trai tài, gái sắc được gặp gỡ, hẹn hò. Hội đạp thanh là hội của những người trẻ tuổi. Những người đi dự hội thật đông: nô nức, dập dìu, như nước, như nêm. Họ rắc vàng vó, họ đốt tiền cho người đã khuất khi tảo mộ. Công việc tảo mộ xong, họ sẽ đi chơi xuân, cả một ngày để tham gia hội đạp thanh. Không khí của lễ hội thật nô nức, nhộn nhịp, dập dìu. Trong số những trai tài gái sắc ấy, có chị em nhà Thúy Kiều “phong lưu rất mực hồng quần”.

3. Sáu câu thơ cuối tả cảnh chị em Thúy Kiều chuẩn bị ra về. Thời gian lúc này đã về chiều, cảnh được miêu tả thu hẹp lại quanh một dòng suối nhỏ, với dòng nước uốn quanh, với nhịp cầu nho nhỏ. Vẫn là cảnh mùa xuân nhưng là cảnh chiều, cảnh sau khi mọi người đã có một ngày tham gia lễ hội. Cảnh vật thanh thanh, nao nao như cũng mang tâm trạng của con người. Chỉ sau đó ít phút thôi, Kiều sẽ gặp nấm mộ Đạm Tiên và thắp hương, thương khóc cho số phận một người tài hoa, bạc mệnh. Và sau đó là cuộc gặp gỡ và mối tình sét đánh "tình trong như đã mặt ngoài còn e” giữa Kiều và Kim Trọng.

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Cảnh mùa xuân trong câu thơ cổ Trung Quốc được miêu tả cô đọng và gợi hình. Cỏ thơm như liền với trời biếc, cành lê có vài bông hoa. Nguyễn Du đã từ câu thơ đó mà sáng tạo nên câu lục bát:

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Người Trung Quốc chú ý đến hương vị cỏ (cỏ thơm), còn Nguyễn Du chú ý đến màu sắc (cỏ non xanh). Người Trung Quốc chú ý đến sự giao nhau, tiếp giáp giữa cỏ với trời. Còn Nguyễn Du chú ý đến cái mênh mông của cỏ kéo dài đến tận chân trời. Về cành hoa lê, Nguyễn Du làm bật cái màu trắng lên trước để nó hài hoà với màu xanh non của cỏ ở câu thơ trước (Trong khi người Trung Quốc không chú ý đến màu cỏ và màu hoa). Nguyễn Du dùng chữ “điểm" một vài bông hoa, từ “điểm” được dùng như là động từ, chỉ sự điểm tô, trang trí của bàn tay thiên nhiên. Trong khi đó, câu thơ chữ Hán, chữ “điểm” chỉ là lượng từ chỉ hoa.

Xem thêm:  Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

Mai Thu