Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)

Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)

Hướng dẫn

1. Cảnh mùa thu

Mở đầu bài Thu hứng, Đỗ Phủ tả cảnh rừng phong vào thu hết sức gợi cảm:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm

Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm.

(Lác đác rừng phong hạt móc sa

Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa).

Hai địa danh mà nhà thơ nói đến ở đây là Vu Sơn, Vu Giáp thuộc thượng lưu sông Trường Giang. Nơi này núi non hùng vĩ, hiểm trở, vách núi dựng đứng, ánh mặt trời ít khi lọt được xuống dòng sông. Về mùa thu, cảnh sắc nơi đây tiêu sơ ảm đạm buồn đến rợn người. Hai câu đầu được Nguyễn Công Trứ dịch khá thành công, nhất là câu sau “Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa”. Dịch giả thay Vu Sơn, Vu Giáp bằng hai chữ ngàn non khá sáng tạo. Riêng câu đầu: “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm” nghĩa là: “Sương móc trắng xóa làm tiêu điều cả rừng cây phong”. Rừng cây phong, loài cây tiêu biểu cho mùa thu xưa không phải là trạng ngữ chỉ nơi chốn mà chính là đổì tượng chịu sự tác động làm cho tàn héo tiêu điều của sương móc. Sương móc đâu chỉ lác đác sa một cách nhẹ nhàng, xuống rừng phong như câu thơ dịch. Sương móc trái lại đã tàn phá dập vùi hung bạo đến nỗi làm cho rừng phong phải điêu thương nghĩa là phải tàn héo, tiêu điều.

Nối tiếp hai câu tả cảnh thu ở núi rừng vừa nói là hai câu tả cảnh thu ở lòng sông, lưng trời mặt đất và cửa ải thật hoành tráng và dữ dội:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Lưng trời sóng rạn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa).

Giữa lòng sông, sóng biếc không gợn tí mà vọt lên tận lưng trời. Trên cửa ải, mây không lơ lửng mà sa sầm giáp mặt đất. Câu thứ tư dịch thơ “Mặt đất mày đùn cửa ải xa” là không sát lắm so với nguyên văn. Mây ở đây không đùn lên mà chính là sa xuống, giáp mặt đất làm tối sầm lại.

Nhự vậy, chỉ với bốn câu thơ, cảnh mùa thu đã được dựng lên với rừng cây, sông nước trời mây vừa điêu linh vừa dữ dội. Cảnh tượng bất an ấy phải chăng là hình bóng, là dáng dấp của một xã hội Trung Hoa đương thời loạn li sóng gió gợi lên biết bao nỗi niềm, biết bao cảm xúc cho kẻ tha hương.

Xem thêm:  Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ

2. Tâm sự nhà thơ

Bốn câu còn lại của bài thơ là tâm sự của nhà thơ trước cảnh mùa thu nơi đất khách:

Tùng cúc lường khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Khóm cúc tuôn thèm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà).

Để hiểu rõ ý nghĩa của bốn câu thơ trên đặc biệt là câu thơ đầu “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ”. (Khóm cúc nở hoa đã hai lần làm tuôn rơi nước mắt ngày trước) chúng ta trở lại một chút với hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Thuhứng được viết năm 766. Trước đó, năm 765, Đỗ Phủ rời Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, về Vân An và năm 766, ông đã đến Quỳ Châu. Chính tại nơi đây nhà thơ đã thể hiện lòng thương nhớ quê hương sâu sắc của mình trong chùm thơ Thu hứng tám bài, trong đó có bài mở đầu là bài chúng ta đang tìm hiểu và phân tích. “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ” là một câu thơ hết sức hàm súc. Lưỡng khai hàm ý chỉ hai mùa thu, khóm cúc hai lần nở hoa nhưng cũng có ý chỉ là lệ tuôn hai lần. Nhìn khóm cúc nở nhà thơ ngỡ như khóm cúc nhỏ lệ, nở xòe ra những cánh hoa bằng lệ. Nói “hai lần” là vì Đỗ Phủ tính từ khi rời Thành Đô đến Quỳ Châu đã được hai năm, trải qua hai mùa thu. Mùa thu năm ngoái, ông ở Vân An. Mùa thu năm nay, ông lại ở Quỳ Châu. Ở nơi nào, lòng quê cũng khôn dứt được. Năm ngoái nhớ quê, năm nay cũng nhớ quê. Bởi vậy mà lệ năm nay cũng là lệ của năm trước chưa khô, là “lệ cũ”. Cụ Nguyễn Công Trứ dịch thơ “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ” là như thế. Dù là “lệ cũ hay nước mắt ngày trước” thì cũng đều gợi cho người đọc hiểu là nhà thơ đã không nhỏ lệ chỉ một lần. Ông nhỏ lệ rất nhiều lần. Chúng ta hẳn chưa quên nhà thơ đã từng viết: “Thiếu Lăng dã lão thốn thanh khốc” (Ông già Thiếu Lăng nghẹn ngào khóc) trong bài Ai giang đầu của mình. Trong một bài khác, bài Xuân vọng, ông cũng từng nhỏ lệ nhìn hoa cảm thương thời thế: “Cảm thời hoa tiễn lệ”.

Hình ảnh “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ” đối với câu sau: “Con thuyền buộc chặt mối tình nhà” (Cô chu nhất hệ cố viên tâm) thật đắt.

Nhà thơ sử dụng hình ảnh con thuyền lẻ loi “cô chu” phải chăng để biểu hiện cho thân phận đơn chiếc, nổi trôi của chính mình. Câu thơ sau cũng hàm súc không kém, chữ buộc ở đây cũng có nghĩa hàm ẩn chẳng khác chi chữ nở ở câu trước. Con thuyền lẻ loi buộc tấm lòng nhớ nơi vườn cũ. Câu thơ cũng có thể hiểu là buộc chiếc thuyền lẻ loi lại đây vì loạn li không về quê được cũng là buộc cả tấm lòng thương nhớ quê của nhà thơ lại. Sự liên tưởng của Bạch Cư Dị thật tài tình và độc đáo. Nhìn hình ảnh chiếc thuyền đơn bị buộc chặt mà hình dung được, mà cảm thấy lòng mình cũng bị buộc chặt như thế. Xúc động biết bao là tâm sự của kẻ tha phương. Cố viên tâm là lòng hướng về mảnh vườn xưa, mảnh đất nơi chôn nhau cắt rôn của mình. Nhiều người cho rằng “lòng hướng về vườn cũ” cũng là “lòng hướng về cố đô” như trong hai câu thơ đầu của bài Thu hứng 2, Đỗ Phủ đã bộc bạch:

Quỳ Phủ cô thành lạc nhật tà

Mỗi y Bắc Đẩu vọng kinh hoa

Nghĩa là: thành phủ Quỳ Châu đứng chơ vơ, mặt trời đã sắp lặn. Ta luôn luôn nương sao Bắc Đẩu để ngóng về kinh đô. Ba chữ Cố viên tâm là một biểu hiện lòng yêu nước của nhà thơ. Riêng trong bài thơ này, “con thuyền cô độc” hay cố viên tâm cũng đều bộc lộ tình nhớ quê hương của Đỗ Phủ.

Xem thêm:  Đọc thêm: Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu)

Sau cùng, bài thơ được khép lại bằng âm thanh vang vọng của tiếng chày đập áo:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Chỗ nào cũng rộn ràng dao thước để may áo rét,

Về chiều, thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập áo nghe càng dồn dập).

Dịch thơ: Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.

Ở Trung Hoa, nhất là ở một số vùng phía Bắc, mùa thu về, trời đã rất lạnh. Vì vậy mà nơi nơi lo sắm áo rét, tiếng chày đập áo, do đó, nghe càng dồn dập. Trong thơ Trung Hoa xưa, tiếng chày đập áo là một âm thanh có sức gợi cảm rất lớn. Trong một bài thơ khác của Bạch Cư Dị, bài Nghe tiếng chày đêm ông đã viết: Thu đến nhớ chồng ai đập lụa, Gió trăng não lắm đá chàng ơi! Tháng Tám, tháng chín đêm dài bấy, Ngàn tiếng muôn tiếng không hề ngơi. Một tiếng trắng thêm tơ một sợi. Sáng ra e bạc cả đầu ai.

Tả “tiếng chày đập áo” trong bóng chiều tà vang vọng chính là nhà thơ đã thể hiện nỗi lòng mình bằng một âm thanh vang vọng cho cả bài thơ. Nội chiến phong kiến triền miên đã đẩy nhà thơ vốn là một viên quan nhỏ của triều đình phải đi lánh nạn khắp các vùng thuộc phía tây nam đất nước. Do đó, tâm hồn kẻ li quê ấy ngày đêm ấp ủ một hi vọng tuy mong manh nhưng cháy bỏng là được trở về quê cũ. Ước mơ đó của Đỗ Phủ hẳn cũng là ước mơ của muôn vạn người dân nghèo khổ đương thời. Thu hứng hầu như không nói đến tình hình xã hội nhưng vẫn có giá trị hiện thực sâu sắc chính là ở chỗ đó.

Nhận xét về bài thơ này, Thẩm Đức Tiềm đời Minh viết: “Nỗi nhớ quê cảm thương xưa và nay, cuộc đời ông Đỗ Phủ thấy cả ở đây. Cái sức viết thật giỏi, dẫu có gió trời sóng biển hay chuông vàng khánh bạc cũng không bắt chước được như vậy.” (Đường thi biệt thi tập).

Mai Thu