Bài 34 – Ôn tập phần Tập làm văn
Hướng dẫn
1. Một văn bản cần có tính thống nhất nhằm nêu bật chủ đề, nghĩa là nêu bật ý đồ, ý kiến, cảm xúc của tác giả.
Tính thống nhất của văn bản thể hiện ở chỗ văn bản có đối tượng cố định, có tính mạch lạc. Tất cả các yếu tố của văn bản tập trung thể hiện ý đồ, ý kiến, cảm xúc của tác giả. Để tìm hiểu tính thống nhất về chủ đề của văn bản, chúng ta lưu ý tìm hiểu nhan đề, quan hệ giữa các phần của văn bản, phát hiện các câu, các từ ngữ tập trung biểu hiện chủ đề đó như thế nào?
2. Viết tiếp các câu sao cho thành đoạn văn và nói lí do vì sao.
– Em rất thích đọc sách.
-… Mùa hè thật hấp dẫn…
Học sinh tự viết đoạn văn.
Đối với câu chủ đề: “Em rất thích đọc sách”, các em có thể giải thích do đâu mà thích hoặc cũng có thể thuật lại những cảm xúc thích thú của mình, như tiếp xúc với sách hoặc kể lại từ bé đến giờ đã thích đọc sách ra sao?
Đối với câu còn lại có thể triển khai tương tự.
3. Vì sao cần phải tóm tắt tác phẩm tự sự?
Thông thường tóm tắt là để dễ ghi nhớ, nhất là đối với các tác phẩm dài và phức tạp. Tóm tắt để làm tài liệu sau khi đọc xong tác phẩm, để kể lại cho người khác nghe, để giới thiệu trên sách báo hoặc để dùng như một dẫn chứng trong một bài văn nghị luận. Vì vậy cần phải tóm tắt để tiện dụng.
Muốn tóm tắt một văn bản tự sự ta cần thực hiện các bước sau:
a) Đọc kĩ toàn bộ tác phẩm cần tóm tắt để nắm chắc nội dung của nó.
b) Xác định nội dung chính cần tóm tắt: lựa chọn những sự việc tiêu biểu và các nhân vật quan trọng.
c) Sắp xếp các nội dung chính theo một trật tự hợp lí.
d) Viết bản tóm tắt bằng lời văn của mình.
Lưu ý là bản tóm tắt cần phản ánh trung thành nội dung của tác phẩm cần tóm tắt.
4. Trong văn bản tự sự rất ít khi tác giả chỉ thuần kể người và việc (kể chuyện) mà khi kể thường đan xen các yếu tố miêu tả biểu cảm và đánh giá.
Các yêu tố miêu tả và biểu cảm, đánh giá làm cho việc kể chuyện sinh động và sâu sắc hơn.
Ví dụ: Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.
Kể: Tôi ngồi trên xe, cạnh mẹ.
Tả: Đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, khuôn miệng xinh xắn nhai trầu.
Biểu cảm: Những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt, thơm tho lạ thường.
5. Viết một đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm cần chú ý lựa chọn sự việc chưa lựa chọn ngôi kể, xác định các yếu tố miêu tả và biểu cảm dùng trong đoạn văn tự sự sẽ viết. Từ đó sẽ viết thành đoạn văn tự sự kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm sao cho hợp lí.
6. Văn bản thuyết minh có tính chất trí thức, khách quan, thực dụng là loại văn bản có khả năng cung cấp tri thức xác thực, hữu ích cho con người.
Một văn bản thuyết minh hay là một văn bản trình bày rõ ràng, hấp dẫn đặc điểm cơ bản của đối tượng thuyết minh. Văn bản thuyết minh sử dụng ngôn ngữ chính xác, cô đọng, chặt chẽ, sinh động.
Trong đời sống cũng như trong nhà trường, ta có thể gặp nhiều kiểu bài thuyết minh tùy theo đối tượng thuyết minh như: một danh nhân văn hoá, một phong tục tập quán, một đại tướng lịch sử, một danh lam thắng cảnh… trong khoa học, còn có thể bắt gặp các bài thuyết minh về một thí nghiệm, một phát minh, một máy móc nào đó chẳng hạn…
7. Muốn làm văn bản thuyết minh trước hết phải nhận thức rõ yêu cầu của bài làm là cung cấp tri thức khách quan, khoa học về đối tượng thuyết minh. Người làm bài phải quan sát, tìm hiểu kĩ lưỡng, chính xác đối tượng phải thuyết minh, tìm cách trình bày theo thứ tự thích hợp sao cho người đọc dễ hiểu cần chú ý sử dụng ngôn ngữ chính xác, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.
Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu sáng rõ, ta có thể sử dụng phôi hợp nhiều phương pháp thuyết minh như:
– Nêu định nghĩa
– Giải thích
– Liệt kê
– Nêu ví dụ
– Dùng số liệu
– So sánh
– Phân tích, phân loại
Ví dụ về các phương pháp này học sinh có thể xem lại bài 12, học kì I.
8. Bố cục thường gặp:
a) Thuyết minh một đồ dùng:
+ Mở bài: Giới thiệu đồ dùng.
+ Thân bài: Cấu tạo, nguyên tắc hoạt động, công dụng, tác dụng của đồ dùng ấy đối với cuộc sống.
+ Kết bài: Cảm nghĩ, đánh giá về đồ dùng ấy.
b) Phương pháp làm ra một sản phẩm nào đó
+ Mở bài: Giới thiệu khái quát phương pháp cần thuyết minh.
+ Thân bài: Trình bày giới thiệu rõ từng phần, từng giai đoạn của phương pháp.
+ Kết bài: Cảm nghĩ chung, đánh giá chung về phương pháp cần thuyết minh.
c) Một di tích, danh lam thắng cảnh:
+ Mở bài: Giới thiệu di tích: vị trí địa lí: thắng cảnh nằm ở đâu.
+ Thân bài: Thắng cảnh gồm những bộ phận nào, lần lượt giới thiệu miêu tả từng phần.
+ Kết bài: Vị trí của thắng cảnh trong đời sống tình cảm của con người.
d) Một loài động vật, thực vật:
+ Mở bài: Giới thiệu khái quát động vật và thực vật cần thuyết minh.
+ Thân bài: Trình bày từng khía cạnh, từng bộ phận của động vật và thực vật cần thuyết minh.
+ Kết bài: Cảm nghĩ, đánh giá chung về động vật, thực vật cần thuyết minh.
đ) Một hiện tượng tự nhiên:
+ Mở bài: Giới thiệu khái quát về hiện tượng tự nhiên.
+ Thân bài: Trình bày từng phần của hiện tượng tự nhiên.
+ Kết bài: Cảm nghĩ, đánh giá về hiện tượng tự nhiên ấy.
9. Luận điểm trong bài văn nghị luận là những tư tưởng, quan điểm, chủ trương mà người viết nêu ra trong bài.
Ví dụ: Luận điểm: “Nguyễn Trãi là tinh hoa của đất nước, dân tộc và thời đại bấy giờ” trong đoạn văn nghị luận sau dây:
Nguyễn Mông Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi, đã ca ngợi Nguyễn Trãi như sau: “Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên ở trong toà ngọc, cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ…”. Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta. Ca ngợi người anh hùng dân tộc, chúng ta đã rủa mối “hận nghìn năm” của Nguyễn Trãi!
(Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Người anh hùng dân tộc)
Luận điểm trên chính xác, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề và đủ để làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra.
10. Bài văn nghị luận thường vẫn phải có các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm. Các yếu tố này giúp cho việc trình bày luận cứ trong bài văn được rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn, và do đó, có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn. Có điều cần lưu ý, các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm được dùng làm luận cứ phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm và không phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn.
Ví dụ:
Sắp Trung thu. Trời xứ Bắc hẳn trong, trăng hẳn tròn và sáng. Đêm trước rằm đầu tiên từ ngày bị giam giữ. Mười mấy ngày qua, trừ cái bực mình ban đầu khi bị bắt giữ vô cớ, cái khẳng định mình vẫn là khách tự do, chỉ là một xâu những vật lỉnh kỉnh, lích kích đáng lạ, đáng cười, đáng ghét của bộ mặt nhà giam. Bỗng đêm nay trăng sáng quá chừng. Trong suốt, bao la, huyền ảo, vỗ về. Ngay bên cửa sổ, lồng trong bóng cây. Đêm nay rất đẹp. Trong lòng rạo rực bao nỗi niềm, cầm lòng không đậu, người tù phải thốt lên:
“Đối thử lương tiêu nại nhược hà”
(Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)
Vậy trước cảnh đẹp đêm nay, trước cái đẹp đêm lành này (đối thử lương tiêu), biết làm sao bây giờ (nại nhược hà)? Một câu hỏi hay một câu than đều có nghĩa. Nó là dấu hiệu của một tâm trạng dạt dào nên sinh băn khoăn. Hơn nữa, bối rối, xao xuyến. Nó ăm ắp tình tứ, nó rạo rực, nó muốn yêu, muốn thưởng thức, muốn chan hoà, muốn giãi bày, bộc lộ. Phải đi ra với đêm, phải tắm mình trong nguyệt, phải vui, phải làm thơ. Tâm trạng người tù như vậy nhưng người tù đành như phải làm ngơ. Như đành để mặc cho đếm đẹp đêm lành, cho trăng mời trăng giục. Nghĩa là bao nhiêu dạt dào trước trăng trước đêm, trước cái đẹp cái lành, phải ẩn vào bên trong, vui lòng im lặng.
(Lê Trí Viễn, Một số bài giảng thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh)
11. Văn bản tường trình là một loại văn bản trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình trong các sự việc xảy ra gây hậu quả cần phải xem xét.
Văn bản thông báo là loại văn bản truyền đạt những thông tin cụ thể từ phía cơ quan, đoàn thể, người tổ chức cho những người dưới quyền, thành viên đoàn thể hoặc những ai quan tâm nội dung thông báo được biết để thực hiện hay tham gia.
PHÂN BIỆT MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH VIẾT
a) Mục đích
Tường trình nhằm trình bày khách quan, chính xác sự việc đã xảy ra để người có trách nhiệm giải quyết nắm được bản chất và có nhận xét kết luận đúng đắn, hợp tình hợp lí.
Thông báo nhằm truyền đạt công việc của cơ quan lãnh đạo cấp trên cho cấp dưới hoặc của cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội phổ biến tình hình chủ trương, chính sách mới để đông đảo nhàn dàn, hội viên biết và thực hiện.
b) Cách viết
Tường trình:
+ Thể thức mở đầu:
– Quốc hiệu tiêu ngữ (ghi chính giữa)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
– Địa điểm và thời gian làm tường trình (ghi vào góc bên phải)
– Tên văn bản (ghi chính giữa)
BẢN TƯỜNG TRÌNH
(về…)
Người (cơ quan) nhận bản tường trình: Kính gửi.
+ Nội dung tường trình: trình bày thời gian, địa điểm diễn biến sự kiện, nguyên nhân, hậu quả, ai chịu trách nhiệm (cần khách quan trung thực)
+ Thể thức kết thúc: lời đề nghị, cam đoan, chữ kí và họ tên người tường trình.
Thông báo:
+ Thể thức mở đầu:
– Tên cơ quan chủ quản và đơn vị trực thuộc (ghi vào góc bên trái)
– Quốc hiệu tiêu ngữ (ghi vào góc bên phải)
– Địa điểm và thời gian làm thông báo (ghi vào góc bên phải)
– Tên văn bản (ghi vào chính giữa)
THÔNG BÁO của…
(về…)
+ Nội dung thông báo
+ Thể thức kết thúc:
– Nơi nhận (ghi phía dưới bên trái)
– Kí tên và ghi đủ họ tên, chức vụ của người có trách nhiệm thông báo (ghi phía dưới bên phải).
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bài 34 – Luyện tập làm văn bản thông báo
Bài 34 – Luyện tập làm văn bản thông báo Hướng dẫn I. ÔN TẬP [...]
Th1
Bài 34 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo)
Bài 34 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo) Hướng dẫn 7. Bảng thống kê [...]
Th1
Bài 33 – Kiểm tra tổng hợp cuối năm
Bài 33 – Kiểm tra tổng hợp cuối năm Hướng dẫn I. PHẦN VĂN Các [...]
Th1
Bài 33 – Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt)
Bài 33 – Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) Hướng dẫn 1. Đọc các [...]
Th1
Bài 33 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo)
Bài 33 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo) Hướng dẫn 3. Năm bài 22, [...]
Th1
Bài 32 – Văn bản thông báo
Bài 32 – Văn bản thông báo Hướng dẫn I. ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN BẢN [...]
Th1