Bài 33 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo)
Hướng dẫn
3. Năm bài 22, 23, 24, 25 và 26 là năm văn bản nghị luận trong đó có hết bốn văn bản là nghị luận trung đại.
Các tác phẩm nghị luận trung đại này đều được viết bằng chữ Hán; các văn bản trích giảng trong sách giáo khoa đều là bản dịch. Do đó, khi phân tích từ ngữ, chúng ta cần thận trọng, tránh ngộ nhận lời văn dịch vớí văn nguyên tác.
Nghị luận trung đại gồm nhiều thể phân biệt chủ yếu ở chức năng, mỗi thể có những quy tắc chặt chẽ riêng. Tên gọi thể văn nằm ngay trong tác phẩm:
– Chiếu dời đô
– Hịch tướng sĩ
– Bình Ngô đại cáo
– Luận học pháp…
Chiếu là thể văn cho nhà vua sử dụng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể làm bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi. Chiếu được công bố và đón nhận một cách trang trọng.
Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, hay được vua chúa, tướng lĩnh dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Với kết cấu chặt chẽ, hịch sử dụng chung lí lẽ sắc bén, có dẫn chứng thuyết phục nhằm khích lệ tinh thần, tình cảm người nghe, người đọc. Hịch thường viết theo thể biền ngẫu (từng cặp câu cân xứng với nhau).
Hịch thường có kết cấu như sau:
Phần I: Nêu vấn đề.
Phần II: Nêu truyền thống vẻ vang trong lịch sử để gây lòng tin tưởng.
Phần III: Nhận định tình hình, phân tích phải trái để tạo lòng căm thù giặc.
Phần cuối: Nêu chủ trương cụ thể và kêu gọi đấu tranh.
Cáo là thể văn nghị luận cổ thường được vua chúa tướng lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố một sự nghiệp để mọi người cùng biết.
Cáo thường viết bằng văn biền ngẫu (không có vần hoặc có vần, thường có đốỉ, câu văn ngắn không gò bó mỗi cặp hai vế đối nhau).
Cáo giống như hịch ở tính chất hùng biện, lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ.
Nhìn chung, các văn bản này đều có văn phong cổ, từ ngữ cổ, cách diễn đạt cổ: nhiều hình ảnh và hình ảnh giàu tính ước lệ, câu văn biền ngẫu nhịp nhàng.
Trái lại, những văn bản nghị luận hiện đại đã học ở lớp 7, lớp 8 đều viết giản dị, câu văn gần gũi với lời nói thường nhật, gần đời sống hơn.
Nhưng dù có những nét khác nhau như thế, nhưng các văn bản đó đều là văn nghị luận. Tức là đều có đặc trưng của thể loại nghị luận.
4. Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi đều được viết có lí, có tình và có chứng cứ nên đều có sức thuyết phục cao.
Trước hết là Chiếu dời đô. Lí Thái Tổ đã dùng sử sách làm chỗ dựa cho lí lẽ. Từ đó soi sáng vào hai triều đại trước để đi đến kết luận Đại La là nơi tốt nhất để chọn làm kinh đô: Lời ban bố mệnh lệnh, của nhà vua mà lại có những đoạn tỏ bày tâm sự bằng những lời như đối thoại trao đổi, tạo sự đồng cảm giữa mệnh lệnh của vua và thần dân.
Tiếp đó, Hịch tướng sĩ. Sau khi nêu gương sử sách để khích lệ ý chí lập công danh hi sinh vì nước, tác giả quay về với thực tế trước mắt, lột tả tội ác và sự ngang ngược của giặc đồng thời nêu mối ân tình giữa chủ và tướng. Đây chính là một áng văn chính luận xuất sắc có sự kết hợp giữa lập luận chặt chẽ, sắc bén với lời văn trữ tình thống thiết vì thế có sức thuyết phục rất cao.
Sau cùng là Nước Đại Việt ta. Với cách lập luận chặt chẽ và chứng cứ hùng hồn, đoạn vàn này có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có truyền thông lịch sử; kẻ xâm lược là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại. Yếu tố “tình” đây thể hiện ở tấm lòng, ở thái độ của người viết đối với người tiếp nhận. Bởi lẽ văn nghị luận khác với văn sáng tác, văn trữ tình nên tình cảm, cảm xúc của tác giả không phải bao giờ cũng bộc lộ rõ ràng bằng những lời trữ tình, những câu cảm thán.
5. Những nét giống nhau cơ bản về nội dung tư tưởng và hình thức thể loại của các văn bản trong các bài 22, 23, 24:
Cả ba văn bản Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Nước Đại Việt ta đều bao trùm một tinh thần dân tộc sâu sắc. Tinh thần dân tộc này có thể hiện hoặc ở ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh (Chiếu dời đô), hoặc ở tinh thần bất khuất, căm thù giặc xâm lược, quyết chiến quyết thắng bọn chúng (Hịch tướng sĩ) hoặc ở ý thức tự hào về một nước Đại Việt độc lập (Nước Đại Việt ta).
Cả ba văn bản đều có văn phong cổ: từ ngữ cổ, cách diễn đạt cổ, nhiều hình ảnh và hình ảnh thường giàu tính ước lệ, câu văn biền ngẫu sóng đôi nhịp nhàng… Nét khác nhau về hình thức thể loại là khác nhau giữa Chiếu, Hịch và Cáo.
6. Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam lúc bây giờ là vì tác phẩm ấy đã khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát rằng Việt Nam là một nước độc lập, đó là một chân lí hiển nhiên không thể chối cãi. Điều này thể hiện tập trung trong đoạn trích giảng Nước Đại Việt ta.
Nếu ở Sông núi nước Nam ý thức về nền độc lập của dân tộc được xác định ở hai phương diện lãnh thổ (sông núi) và chủ quyền (vua Nam ở) thì đến Nước Đại Việt ta ý thức ấy phát triển sâu sắc và toàn diện hơn. Ngoài hai yếu tố lãnh thổ, chủ quyền, ý thức độc lập dân tộc còn được mở rộng, bổ sung thêm các yếu tố: văn hiến lâu đời, phong tục tập quán riêng, truyền thống lịch sử anh hùng “bao đời xây nền độc lập”…
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bài 34 – Ôn tập phần Tập làm văn
Bài 34 – Ôn tập phần Tập làm văn Hướng dẫn 1. Một văn bản [...]
Th1
Bài 34 – Luyện tập làm văn bản thông báo
Bài 34 – Luyện tập làm văn bản thông báo Hướng dẫn I. ÔN TẬP [...]
Th1
Bài 34 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo)
Bài 34 – Tổng kết phần Văn (tiếp theo) Hướng dẫn 7. Bảng thống kê [...]
Th1
Bài 33 – Kiểm tra tổng hợp cuối năm
Bài 33 – Kiểm tra tổng hợp cuối năm Hướng dẫn I. PHẦN VĂN Các [...]
Th1
Bài 33 – Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt)
Bài 33 – Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) Hướng dẫn 1. Đọc các [...]
Th1
Bài 32 – Văn bản thông báo
Bài 32 – Văn bản thông báo Hướng dẫn I. ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN BẢN [...]
Th1