Bài 27 – Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Bài 27 – Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Đây là một tác phẩm được trí tưởng tượng hư cấu nên. Chính câu này đã chứng tỏ điều đó:

“Chúng ta hãy theo dõi, theo dõi bằng đôi cánh của trí tưởng tượng, những trò lố chính thức của ông Va-ren”.

2. Đọc kĩ đoạn từ đầu đến "… Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù”.

Trả lời các câu hỏi:

a) Va-ren đã hứa “sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu” (chăm sóc ở đây có nghĩa là đặc biệt quan tâm giải quyết).

b) Thực chất của lời hứa đó cũng chỉ là hứa suông (hứa để cho dư luận dịu bớt đi, đỡ gây sức ép). Chính cụm từ “nửa chính thức hứa” đã nói lên thái độ lấp lửng, mập mờ của Va-ren và câu hỏi của tác giả: “giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao” đã tỏ rõ ý nghi ngờ và châm chọc vạch rõ sự giả dối, xảo trá của Va-ren.

3. Giữa hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu đã thể hiện sự tương phản, đối lập cực độ. Điều đó đã thể hiện rõ qua các biểu hiện sau đây:

a) Số lượng lời văn dành cho việc khắc họa tính cách của từng nhân vật có khác nhau:

Tác giả đã nói về Phan Bội Châu nhiều hơn là nói về tên Va-ren:

Phan Bội Châu đã được nói đến như sau: “Con người đả hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ”.

…“bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Còn đây là đoạn nói về Va-ren: “Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình… kẻ phản bội nhục nhã”.

Xem thêm:  Bài 26 - Cách làm bài văn lập luận giải thích

b) Qua những lời lẽ có tính độc thoại của Va-ren trước Phan Bội Châu ta thấy:

– Động cơ của hắn chỉ là muôn dụ dỗ Phan Bội Châu đầu hàng thực dân Pháp.

– Tính cách và bản chất của Va-ren là:

* Xảo trá: “Ông và tôi, tay nắm chặt tay, chúng ta có thể làm được biết bao công việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương này? Chúng có thể cùng nhau làm cho nước ông trở thành một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở châu Á”. Những lời lẽ này là xảo trá vì giữa kẻ thống trị Va-ren và người dân một nước bị trị Phan Bội Châu làm gì có sự thân thiện và bình đẳng bắt tay nhau. Mục đích của thực dân Pháp khi chiếm đóng Đông Dương là để khai thác sức người, sức của, vơ vét tài nguyên, bóc lột dân Đông Dương đến tận xương tủy, làm gì có thực tâm làm cho Việt Nam trở thành “một quốc gia tân tiến lớn, một nước Pháp ở châu Á”.

* Trơ trẽn: Va-ren đã không ngại lời khi nói đến sự phản bội. Hắn đã nêu ra nhiều gương mặt phản bội để làm ví dụ và sau chót hắn đã lấy bản thân mình ra để chứng minh cho điều muốn nói: “Ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…!”.

Qua những lời lẽ xảo trá và trơ trẽn này ta còn thấy Va-ren là một kẻ phản bội hèn hạ, xấu xa, chỉ vì sự vinh hoa phú quý của bản thân mà ruồng bỏ lí tưởng tốt đẹp đã từng theo đuổi, ruồng bỏ giai cấp và các đồng chí của mình.

c) Sự im lặng của Phan Bội Châu thể hiện một sự khinh miệt cao độ.

Lời bình của tác giả: Những lời của Va-ren… chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”.

Tất cả những điều đó đã làm nổi bật tư thế vững vàng, cao hơn kẻ địch và khí phách hiên ngang, bất khuất của Phan Bội Châu, một nhà cách mạng chân chính, một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc mình.

4. Truyện này nếu chỉ dừng ở câu "… chỉ là vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren củng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu” thì sẽ kém hay đi rất nhiều.

Chính đoạn kết trong đó có lời quả quyết của anh lính dọng An Nam và lời đoán thêm của tác giả đã làm giá trị của truyện được nâng cao thêm:

Nó làm cho tính cách của Phan Bội Châu càng được khắc họa sắc sảo hơn, tinh tế hơn, đầy đủ hơn và đáng kính phục hơn.

5. Phần T.B. (tái bút: có nghĩa là viết thêm) với lời quả quyết của nhân chứng thứ hai có giá trị đặc biệt: phần T.B. này phối hợp với lời kết ở trên làm cho chủ đề của câu truyện được thể hiện thật rõ ràng:

Va-ren quả là một kẻ lố bịch, đáng khinh, đáng phỉ nhổ.

6. Sau những phân tích trên, ta thấy rõ tính cách của Phan Bội Châu và Va-ren:

– Phan Bội Châu: yêu nước sâu sắc, luôn chiến đấu hi sinh vì lí tưởng cứu nước, luôn kiên cường bất khuất, không sợ gian khổ tù đày, luôn vững vàng không để kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc, tiêu biểu cho khí phách Việt Nam.

– Va-ren: gian xảo, trơ trẽn, lố bịch, dại diện cho bọn phản bội, phản động gian ác.

Ghi nhớ:

Bằng giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh và khả năng tưởng tượng, hư cấu. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (phần được học) đã khắc họa được hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc. Va-ren: gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Phan Bội Châu: kiên cường, bất khuất, xứng đáng là “vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.

Xem thêm:  Bài 30 - Dấu gạch ngang

LUYỆN TẬP

1. Trong truyện, thái độ của tác giả đối với Phan Bội Châu là kính yêu, khâm phục, ca ngợi. Ta có thể căn cứ vào những lời văn viết về Phan Bội Châu mà xác định điều đó.

…“người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình… (Đó là) bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Ta cũng thấy điều đó qua việc miêu tả phẩm chất kiên cường, không đầu hàng, không khoan nhượng kẻ thù của Phan Bội Châu.

2. “Những trò lố” trong nhan đề của tác phẩm là từ dùng đầy vẻ miệt thị, khinh bỉ và căm ghét đối với Va-ren. Hắn bày ra việc gặp gỡ Phan Bội Châu và dùng lời lẽ xảo trá, trơ trẽn để dụ dỗ Phan Bội Châu. Đó là những trò rất lố lăng, rất đáng chê cười, chẳng lừa được ai mà chỉ làm cho cái bộ mặt phản bội của hắn càng lộ ra một cách thấp kém, hèn hạ, đê tiện.

Kết quả cần đạt

  • Hiểu được giá trị của tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu trong việc khắc họa một cách rất sắc nét hai nhân vật với hai tính cách, đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau trên đất nước ta thời thuộc Pháp.
  • Nắm được cách dùng C – V để mở rộng câu.
  • Rèn luyện kĩ năng trình bày miệng về một vấn đề xã hội và văn học.

Mai Thu