Bài 19 – Sông nước Cà Mau

Bài 19 – Sông nước Cà Mau

Hướng dẫn

Chú ý:

Qua bài học cảm nhận đựợc sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên sông nước vùng Cà Mau. Nắm được nghệ thuật miêu tả cảnh sông nước trong bài văn của tác giả.

Củng cố, nâng cao kiến thức về phép tu từ so sánh đã học ở bậc Tiểu học.

Thấy được vai trò, tác dụng của quan sát, tưởng tượng, so sánhnhận xét trong văn miêu tả. Biết cách vận dụng các yếu tố này trong khi viết bài văn miêu tả.

Chú thích: (Đọc kĩ phần Chú thích trong SGK)

Tiếng rì rào bất tận: tiếng rì rào không bao giờ dứt.

Thính giác: giác quan có chức năng nghe.

Màu xanh đơn điệu: một màu xanh duy nhất, không có màu khác chen vào.

Danh từ mĩ lệ: danh từ đẹp đẽ, văn hoa.

Màu sắc độc đáo: màu sắc rất riêng biệt, không nơi nào có.

ĐỌC – KIỂU BÀI VĂN

1. – Bài văn miêu tả cảnh thiên nhiên sông nước vùng Cà Mau. Tác giả miêu tả theo trình tự: Tả cảnh thiên nhiên rồi sau là cảnh sinh hoạt của con người. Dựa vào trình tự miêu tả ta chia bài văn làm 2 đoạn:

Đoạn thứ nhất từ đầu đến "… lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai". Đoạn này miêu tả quang cảnh thiên nhiên của vùng sông nước Cà Mau.

Đoạn thứ hai là phần còn lại tả cảnh sinh hoạt của con người ở vùng Cà Mau.

– Vị trí quan sát của người miêu tả trong bài văn này là: Người miêu tả ngồi trên thuyền xuôi từ phía xa về hướng mũi Cà Mau rồi đi vào giữa vùng sông nước Cà Mau theo chiều nước đổ ra biển.

– Vị trí ấy có thuận lợi cho việc quan sát và miêu tả vì đó là một vị trí di động giúp cho người miêu tả thấy rõ sự đổi thay của cảnh vật.

2. Trong đoạn văn (từ đầu đến lặng lẽ một màu xanh đơn điệu) tác giả đã diễn tả ấn tượng ban đầu bao trùm về sông nước Cà Mau. Ấn tượng đó là: sông ngòi, kênh rạch chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Cái âm thanh đơn điệu triền miên của tiếng sóng biển dội vào.

Xem thêm:  Bài 32 - Tổng kết phần Văn

Ân tượng này được diễn tả qua thị giác và thính giác (qua mắt thấy và tai nghe).

3. Cách đặt tên cho các dòng sông, con kênh ở vùng Cà Mau là một cách nói nôm na, giản dị, không chuộng những danh từ hoa mĩ mà chỉ căn cứ vào những đặc điểm ở từng nơi, từng đoạn mà gọi.

Những địa danh này gợi ra đặc điểm của vùng Cà Mau là: quang cảnh của vùng Cà Mau thật lắm vẻ riêng, mỗi chỗ một khác, thật phong phú, đa dạng.

4. Đọc lại đoạn văn từ "Thuyền chúng tôi…" đến "… khói sóng ban mai" để thấy:

a) Sông Năm Căn được miêu tả thật là đẹp, một vẻ đẹp khác thường mà nhiều con sông khác, chảy ở nơi khác không thể có.

Những chi tiết đã thể hiện rõ sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng đước như: "Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác…" "… con sông rộng hơn ngàn thước, hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi… ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ.

b) Những động từ chỉ cùng một hoạt động của con thuyền trong câu đã cho là: chèo (thoát qua), đổ (ra), xuôi (về).

Không thể thay đổi trình tự những động từ ấy trong câu vì tác giả đang nói về con thuyền của mình đi từ phía trong ra hướng biển, từ con kênh nhỏ đi ra con sông Cửa Lớn và tiến về Năm Căn theo chiều nước chảy. Đây là một cách dùng từ chính xác, tinh tế có chọn lọc.

c) Những từ trong đoạn văn trên dùng để miêu tả màu sắc của rừng đước: màu lá xanh mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ.

Xem thêm:  Bài 30 - Bức thư của thủ lĩnh da đỏ

Nhận xét: Vì đước có nhiều lớp mọc chồng lên nhau, có lớp đước già, có lớp đước non hên màu lá xanh của chúng mỗi chỗ mỗi khác. Tác giả đã tìm ra nhiều hình ảnh để so sánh, để gọi tên các sắc thái khác nhau của màu lá. Đó là những hình ảnh, những từ ngữ thật sáng tạo, thật đặc sắc miêu tả được sự sinh động của cảnh vật.

5. Chợ Năm Căn đã được miêu tả như sau:

Chợ Năm Căn nằm sát bên sông, ồn ào, đông vui, tấp nập… với những túp lều thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạph những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng… những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng. Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông, những lò than hầm gỗ đước… những ngôi nhà bè ban đêm đèn măng sông chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi. Những người con gái Hoa kiều bán vải xởi lởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lo, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ…".

Đó là những hình ảnh, những chi tiết được dùng để miêu tả cảnh chợ Năm Căn tấp nập, náo nhiệt, trù phú và độc đáo.

6. Qua bài văn này, em cảm nhận được vẻ đẹp của vùng sông nước Cà Mau: thiên nhiên thì rộng lớn, hùng vĩ, trù phú, đầy sức sống và con người thì có những sinh hoạt thật náo nhiệt, đông vui, độc đáo.

Tóm tắt:

Cảnh sông nước Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã. Chợ Năm Căn là hình ảnh cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc.

Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống ở vùng Cà Mau hiện lên vừa cụ thể, vừa bao quát thông qua sự cảm nhận trực tiếp và vốn hiểu biết phong phú của tác giả.

LUYỆN TẬP

1. Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về vùng Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau đã học:

Xem thêm:  Bài 28 - Viết bài tập làm văn số 7 - Văn miêu tả sáng tạo (Làm tại lớp)

"Dẫu chưa được tới Cà Mau, nhưng đọc bài viết của nhà văn Đoàn Giỏi, ta đã có thể hình dung ra quang cảnh chằng chịt sông nước và màu đước xanh ngút ngàn của vùng địa đầu Tổ quôc này. Cũng qua việc đọc bài văn đặc sắc này, ta như được lắng nghe bản hòa tấu triền miên của sóng nước đại dương và như được hòa mình vào những phiên chợ Năm Căn đông vui như đang vào mùa lễ hội.

Ta càng cảm thấy yêu mến vùng đất Cà Mau, vùng đất mà nhà văn Nguyễn Tuân đã ví như ngón chân cái dính bùn vạn dặm và nhà thơ Xuân Diệu thì lại ví như một mũi thuyền đang tiến ra biển Đông với ý chí chinh phục thiên nhiên mở rộng bãi bờ: "Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau".

2. Kể tên một vài con sông ở quê hương em hoặc địa phương mà em đang ở, giới thiệu vắn tắt về một trong những dòng sông ấy:

– Thành phố tôi nằm sát bờ Tiền Giang. Một nhánh của sông Tiền là sông Bảo Định thì chảy vào giữa lòng thành phố. Sông Bảo Định không lớn lắm nhưng sông Tiền thì thật đường bệ mênh mang. Giữa sông Tiền có nhiều cồn nổi lên như cồn Phụng, cồn Tân Long, cồn Thới Sơn. Cảnh sống ở trên cồn cũng rất phong phú. Trên cồn nhà xây mọc san sát, vườn tược xum xuê, trên bến, dưới thuyền. Có cồn đã trở thành một khu du lịch vườn trong lành, mát mẻ, hàng ngày vẫn đón nhiều khách du lịch tới thăm, chơi. Nếu đi ngược sông Tiền lên hơn mười kilômét, ta sẽ tới một nơi mang cái tên lịch sử Rạch Gầm, Xoài Mút vì đây chính là nơi vua Quang Trung đã phục kích đánh tan một đội thủy binh lớn của vua Xiêm sang gây chiến với ta. Có lẽ đến bây giờ xác thuyền bè và vũ khí của chúng còn nằm dưới đáy sông sâu!

Mai Thu