Bài 19 – Đặc điểm của văn bản nghị luận
Hướng dẫn
I. Luận điểm, luận cứ và lập luận của văn bản chống nạn thất học
1. Luận điểm
Bài văn Chống nạn thất học có luận điểm chính là: phải cấp tốc nâng cao dân trí. Luận điểm đó được nêu ra dưới dạng câu khẳng định, cụ thể là:
“Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí”.
Luận điểm này đóng vai trò “xương sống” trong bài nghị luận. Cũng có thể nói nó là linh hồn của bài viết. Nó xuyên suốt bài văn và làm cho bài văn trở thành một khối thống nhất.
Muốn có sức thuyết phục thì luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế.
2. Những luận cứ trong văn bản Chống nạn thất học
– Xưa kia Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân.
– (Nay) Mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
– Những người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ.
– Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết.
– Phụ nữ lại càng phải học để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử.
Những luận cứ này làm cơ sở cho luận điểm và đóng vai trò làm sáng tỏ thêm luận điểm.
Muốn có sức thuyết phục, luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu, được minh họa bằng các dẫn chứng xứng đáng, được khẳng định bằng các biện pháp đúng đắn.
3. Lập luận
Đó là cách lựa chọn, sắp xếp, trình bày luận cứ sao cho chúng làm cơ sở vững cho luận điểm.
Trình tự lập luận của văn bản Chống nạn thất học được sắp xếp như sau:
– Nêu luận cứ thứ nhất:
Xưa kia Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân.
Kèm theo luận cứ này là các ý kiến và con số minh họa:
Chúng hạn chế mở trường học, chúng không cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta.
Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95 phần trăm, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ.
Luận cứ thứ nhất mở đường dẫn tới luận điểm chính trong bài: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí”.
Luận điểm chính này được diễn giải, phát triển thêm bằng luận cứ tiếp theo:
“Mọi người đều phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.
Sau luận cứ này, Bác nêu ra các nhiệm vụ cụ thể, các biện pháp hết sức thiết thực để mọi người trong nước cùng tham gia thực hiện.
Cách lập luận trong văn bản này có ưu điểm là chặt chẽ, hợp lí, nhất quán nên có sức thuyết phục cao.
Ghi nhớ:
- Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong một bài văn có một luận điểm chính và các luận điểm phụ.
- Luận điểm là các ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định (hay câu phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm là linh hồn bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.
- Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.
- Lập luận là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục.
II. Luyện tập
Văn bản Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội.
+ Luận điểm:
– Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội (đầu đề).
– Mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội (câu cuối này cũng là quy tụ vào luận điểm chính đã nêu ra trong đầu đề).
+ Luận cứ:
– Có thói quen xấu và thói quen tốt.
– Nêu lí lẽ giải thích thế nào là thói quen tốt, thế nào là thói quen xấu; kèm theo lí lẽ là các dẫn chứng thực tế minh họa cho vấn đề đã được giải thích.
+ Cách lập luận:
– Nêu luận cứ thứ nhất: có thói quen tốt và thói quen xấu.
– Luận cứ thứ hai: giải thích thế nào là thói quen tốt.
– Luận cứ thứ ba: giải thích thế nào là thói quen xấu. Nêu nhiều dẫn chứng minh họa và thói quen xấu kèm theo lời nhận xét, phê phán.
– Luận điểm chính của bài: các luận cứ trên đều dẫn đến luận điểm chính của bài nằm trong câu kết của văn bản.
+ Nhận xét về tính thuyết phục của văn bản:
Văn bản này có tính thuyết phục cao vì tác giả đã nêu ra những nhận xét rất chính xác, những dẫn chứng rất cụ thể, rất thực tế luôn diễn ra trong cuộc sống chúng ta. Vấn đề tác giả đề cập đang là một vấn đề bức thiết mà tất cả chúng ta đều quan tâm với mong muốn xây dựng một nếp sống văn minh lịch sự.
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bài 34 – Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt): Rèn luyện chính tả
Bài 34 – Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt): Rèn luyện chính tả Hướng [...]
Th1
Bài 31 – Ôn tập phần Tập làm văn
Bài 31 – Ôn tập phần Tập làm văn Hướng dẫn I. Về văn biểu [...]
Th1
Bài 31 – Luyện tập về văn đề nghị và báo cáo
Bài 31 – Luyện tập về văn đề nghị và báo cáo Hướng dẫn I. [...]
Th1
Bài 31 – Kiểm tra phần Văn
Bài 31 – Kiểm tra phần Văn Hướng dẫn Kết quả cần đạt Tìm hiểu [...]
Th1
Bài 30 – Văn bản báo cáo
Bài 30 – Văn bản báo cáo Hướng dẫn I – Đặc điểm của văn [...]
Th1
Bài 30 – Dấu gạch ngang
Bài 30 – Dấu gạch ngang Hướng dẫn I. Công dụng của dấu gạch ngang [...]
Th1