Bài 12 – Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Hướng dẫn
I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ TÁC PHẨM
1) Tác giả
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điền, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình ông có truyền thống cách mạng và văn chương. Thân phụ ông là nhà văn Hải Triều. Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành cùng cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc.
Tác phẩm chính: Đất ngoại ô (1971), Mặt đường khát vọng (1972), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986)…
2)Tác phẩm
Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ra đời năm 1971, trong khi Nguyễn Khoa Điềm đang chiến đấu chống Mĩ ở chiến khu miền tây Thừa Thiên Huế.
Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ Tà Ôi yêu thương con tha thiết chan hòa, tình yêu thương ấy với tình yêu thương bộ đội, tình yêu đất nước, cùng với ý chí chiến đấu và niềm tin vào ngày chiến thắng.
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1) Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà Ôi “lớn trên lưng mẹ" ở vùng chiến khu Trị Thiên trong thời kì cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước đang diễn ra quyết liệt. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc đều mở đầu bằng hai câu: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi. Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ" và kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ “Ngủ ngoan a kay ơi" (4 câu). Cách lặp đi lặp lại một số câu đầu và cuối từng đoạn cùng với cách ngắt nhịp đều đặn tạo cho bài thơ có âm điệu của lời ru, nhịp điệu vương vấn trở đi trở lại. Giọng điệu trữ tình đã thể hiện đặc sắc tình cảm trìu mến thiết tha tình yêu thương con và ước vọng của người mẹ.
2)Hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi
Nhà thơ tập trung khắc họa hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi trong bài thơ ba đoạn với ba cảnh:
– Giã gạo nuôi bộ đội.
– Tỉa bắp trên núi Ka-lưi.
– Chuyển lán đạp rừng vì bom đạn Mĩ “bắt ta phải rời con suối”.
Trong cảnh nào trên lưng mẹ cũng địu đứa con cu Tai. Làm lụng mà mang con trên lưng người mẹ sẽ vất vả gấp đôi nhưng cũng-nhờ có con, người mẹ tăng thêm sức lực để làm được mọi việc.
Hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi trong bài thơ gắn liền với những công việc lao động cực nhọc trong hoàn cảnh gian khổ của cuộc chiến đấu chống Mĩ ở vùng núi phía tây Thừa Thiên.
Những chi tiết, từ ngữ thể hiện sự vất vả và gian khổ của người mẹ:
“Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”
3) Tình yêu thương con của người mẹ dân tộc Tà Ôi
Người mẹ dân tộc Tà Ôi thương con thắm thiết. Tình yêu thương ấy thể hiện trong cả những hành động và những lời ru của mẹ. Địu con trên lưng, người mẹ làm lụng mọi công việc nặng nhọc vất vả nhưng lúc nào cũng chăm chút mến thương con mình.
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.
Còn gì thắm thiết và xúc động hơn hình ảnh người mẹ Tà ôi ở đây lấy thân mình làm nôi và ru con bằng lời ru xuất phát từ trái tim nghĩa là xuất phát tình yêu thương sâu thẳm thiết tha trong lòng của người mẹ.
Người mẹ còn thể hiện trực tiếp tình yêu thương con của mình trong những lời ru ấm nồng tha thiết chan chứa ước mơ và hy vọng của người mẹ về con mình trong điệp khúc “Ngủ ngoan a-kay ai, ngủ ngoan a-kay hỡi. Mẹ thưang a-kay” và đặc biệt là trong hình ảnh so sánh:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
“Mặt trời của mẹ” là ẩn dụ. Đứa con được ví như mặt trời của mẹ. Điều này cho thấy tình yêu thương của người mẹ đối với con là vô hạn, con là niềm hạnh phúc lớn lao bất tận, niềm vui và hi vọng ngập tràn của người mẹ cũng như mặt trời đã đem sự sống dạt dào đến cho cây bắp trên nương và cho cả muôn loài, muôn vật.
4) Tình yêu con của người mẹ Tà Ôi gắn liền với tình yêu thương bộ đội, bản làng, tình yêu đất nước, yêu tự do, yêu Bác Hồ:
Tất cả những tình cảm ấy gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời trong lòng người mẹ Tà Ôi. Điều này cho thấy trong những lời ru của bà:
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước.
Cũng chính trong lời ru con của mình, người mẹ Tà ôi cũng cho thấy những ước mong, hi vọng về đứa con mình sẽ trưởng thành, mạnh khỏe, ấm no:
Mai sau con lớn vung chày lún sân
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi
Bà còn thể hiện ước mong của mình về mọi người:
– Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
– Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều.
Và đặc biệt là thể hiện ý chí chiến đấu khát vọng tự do và niềm tin thắng lợi của cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta khi ấy.
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ.
Mai sau con lớn làm người Tự do…
Ghi chú: Trong gian nan vất vả của cuộc sống kháng chiến người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau khôn lớn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền Tây Thừa Thiên bằng khúc hạt ru nhịp nhàng, mang giọng điệu ngọt ngào trìu mến. |
Mai Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bài 17 – Những đứa trẻ (trích Thời thơ ấu)
Bài 17 – Những đứa trẻ (trích Thời thơ ấu) Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT [...]
Th1
Bài 16 – Ôn tập phần tập làm văn (tiếp theo)
Bài 16 – Ôn tập phần tập làm văn (tiếp theo) Hướng dẫn ♦ Câu [...]
Th1
Bài 16 – Cố hương
Bài 16 – Cố hương Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM [...]
Th1
Bài 15 – Ôn tập phần tập làm văn
Bài 15 – Ôn tập phần tập làm văn Hướng dẫn ♦ Câu 1 Phần [...]
Th1
Bài 15 – Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại
Bài 15 – Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại Hướng dẫn Học sinh [...]
Th1
Bài 15 – Chiếc lược ngà (trích)
Bài 15 – Chiếc lược ngà (trích) Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, [...]
Th1