Bài 10 – Luyện nói: Kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Bài 10 – Luyện nói: Kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Hướng dẫn

I. ÔN TẬP VỀ NGÔI KỂ

Trả lời câu hỏi:

1. Kể theo ngôi thứ nhất là người kể xưng tôi trong câu chuyện. Theo lối kể này, người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua, có thể trực tiếp nói ra những suy nghĩ, tình cảm của chính mình… kể như là người trong cuộc. Do đó, dễ có tính thuyết phục cao. Kể theo ngôi thứ ba là người kể phải tự giấu mình đi, gọi tên các nhân vật bằng tên gọi của chúng. Cách kể này khiến người kể có thể kể một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

2. Tôi đi học của Thanh Tịnh, Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng: Kể chuyện theo ngôi thứ nhất. Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố, Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri: kể chuyện theo ngôi thứ ba.

3. Người ta phải thay đổi ngôi kể vì tùy mỗi cốt truyện cụ thể ở những tình huống cụ thể, người viết phải lựa chọn ngôi kể cho phù hợp. Lưu ý cũng có khi trong cùng một truyện, người viết dùng các ngôi kể khác nhau (thay đổi ngôi kể) để sự việc, nhân vật được nhìn nhận, soi chiếu bằng các điểm nhìn khác nhau làm tăng tính sinh động, phong phú khi miêu tả sự vật, sự việc và con người.

Xem thêm:  Bài 5 - Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự

II. LẬP DÀN Ý ĐỂ PHÁT BIỂU TRƯỚC LỚP (TRƯỚC TỔ)

a) Câu chuyện kể về việc chị Dậu vì yêu thương chồng nên đã vụt vùng lên đánh trả quyết liệt tên cai lệ và người nhà lí trưởng. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba.

b) Có thể thấy được sự biểu cảm đã thể hiện ngay trong những lời nói của chị Dậu. Lúc đầu, chị van xin lễ phép, xưng với người nhà lí trưởng là “Cháu van ông’’. Tiếp đến, bị cai lệ đấm vào ngực, chị liều mạng cự lại xưng bằng tôi. “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Cuối cùng bị dồn đến chân tường, chị nghiến răng xưng và gọi bọn chúng bằng mày. Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem. Tác giả như nhập vào nhân vật, biểu lộ tư tưởng, tình cảm của mình một cách gián tiếp.

c) Các yếu tố miêu tả thể hiện trong đoạn văn:

– Xám mặt, tát vào mặt chị một cái đánh bốp, túm lấy cổ hắn lẻo khoẻo (ngã) chỏng quèo…

Các yếu tố miêu tả này làm cho đoạn văn thêm phần sinh động, hấp dẫn người đọc.

Bài làm

Tôi xám mặt, vội đặt con bé xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay người nhà lí trưởng và van xin: “Cháu van ông, nhà cháu mới vừa tỉnh được một lúc, ông tha cho”. “Tha này! Tha này!”, vừa nói, hắn vừa bịch luôn vào ngực tôi mấy bịch rồi sấn đến trói chồng tôi.

Lúc ấy không dằn được nữa, tôi liều mạng cự lại:

– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!

Cai lệ tát vào mặt tôi một cái đánh bốp rồi hắn cứ nhảy vào cạnh chồng tôi. Tôi nghiến đôi hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi tôi túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của tôi, nên hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, trong khi miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng tôi…

Mai Thu